Đà Nẵng làm gì để giải quyết tình trạng ngập đô thị?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian gần đây, đô thị Đà Nẵng liên tiếp xảy ra ngập lụt, ngập úng tại nhiều tuyến đường, khu dân cư mỗi khi có mưa lớn. Để giải quyết tình trạng này, hiện nay, TP đang triển khai chuẩn bị đầu tư và thi công các dự án thoát nước, xử lý ngập.

Vì sao cứ mưa là ngập?

Tháng 10/2022, Đà Nẵng xảy ra trận ngập lịch sử, toàn TP có gần 70.000 nhà dân bị ngập, hàng ngàn ô tô và xe máy hư hỏng, tổng thiệt hại vật chất sau trận mưa lũ gần 1.500 tỷ đồng. Đúng 1 năm sau, Đà Nẵng lại chịu đợt mưa lớn kéo dài và toàn TP xảy ra hàng trăm điểm ngập. Dù mức độ ngập không như năm 2022 và thiệt hại cũng được hạn chế do người dân chủ động ứng phó, nhưng thực trạng đã nêu lên những bất cập tại đô thị ven biển này.

Mổ xẻ về nguyên nhân cứ mưa lớn là đô thị lại ngập, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân khách quan là trong thời gian gần đây, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Hơn nữa, các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm TP. Cụ thể, phần lớn hệ thống thoát nước khu vực trung tâm được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp. Một số tuyến cống được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng cống gạch vòm và sau này xây bằng đá hộc, đã bị sụt lở, tắc nghẽn, một số đoạn rất hạn chế khả năng thoát nước. Một số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý.

Thời gian gần đây, cứ mưa lớn là Đà Nẵng xảy ra ngập ở nhiều tuyến đường, khu dân cư. Ảnh: Quang Hải
Thời gian gần đây, cứ mưa lớn là Đà Nẵng xảy ra ngập ở nhiều tuyến đường, khu dân cư. Ảnh: Quang Hải

Cùng với đó, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước. Tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy; xe tải trọng nặng chạy lên vỉa hè gây hư hỏng các cấu kiện của hệ thống thoát nước.

Cũng theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, các khu vực vùng ven có tình trạng xây dựng nhà trái phép (trên đất nông nghiệp trước đây), không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng nên mưa lớn đã xảy ra tình trạng ngập.

Về chủ quan, một số dự án, công trình trên địa bàn đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng, đơn cử như đường Lê Tấn Trung, xung quanh cổng ra vào Khu công nghiệp Hòa Khánh. Một số công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý, dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên (tuyến cống dọc đường Hàm Nghi về hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; tuyến cống đường Quang Trung…).

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý, vận hành. Cụ thể, nguồn điện tại các trạm bơm chống ngập chưa được ổn định, vẫn còn tình trạng cúp điện khi đang xảy ra mưa lớn (mặc dù hiện nay các trạm bơm chống ngập là khu vực ưu tiên về nguồn điện); chưa thật sự chủ động trong việc rà soát, nạo vét cống thoát nước bảo đảm tính kịp thời.

Số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước đô thị còn hạn chế; một số máy móc, thiết bị đã được sử dụng lâu nên hiệu suất giảm. Cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi chưa được đầu tư đồng bộ, bài bản.

Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ người dân còn tình trạng xả rác xuống cống thoát nước hoặc tự ý che đậy, cải tạo làm lấp các cửa thu nước, giảm khả năng thu nước.

“Đặc biệt, nhiều đơn vị trong quá trình thi công cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường không khơi thông, dọn dẹp xà bần, giá hạ sau khi hoàn thiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của cống” – lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay.

Đầu tư hàng loạt dự án thoát nước

Để giải quyết tình trạng ngập đô thị, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết hiện TP đang triển khai chuẩn bị đầu tư và thi công hàng loạt dự án thoát nước. Trong đó, các dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư gồm: Xử lý thoát nước khu vực xung quanh Sân bay Đà Nẵng (gồm các hạng mục: nâng nền, cải tạo hố ga, cửa thu nước khu vực đường Trần Xuân Lê; bổ sung tuyến cống thoát nước nối từ hồ Thạc Gián qua hồ Công viên 29/3; bổ sung tuyến cống thoát nước dọc đường Hoàng Hoa Thám); xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc (cải tạo phương án thoát nước do nút thắt tại khu vực này); nạo vét, nâng cấp cải tạo hồ điều tiết khu vực thượng lưu tuyến kênh thoát nước Phần Lăng; xử lý ngập úng khu vực đường Lê Tấn Trung và vùng lân cận.

Cùng với đó, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh đường Tống Phước Phổ; cải tạo các tuyến cống thoát nước khu vực nội thành (đường Hùng Vương - Lý Thái Tổ, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh - Lê Lợi); tuyến kênh thoát nước Hòa Nhơn, đoạn từ QL14 đến sông Túy Loan; tuyến cống thoát nước Khe Cạn (nhánh số 2).

Để giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, Đà Nẵng đang và tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều dự án thoát nước trên địa bàn. Ảnh: Quang Hải
Để giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, Đà Nẵng đang và tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều dự án thoát nước trên địa bàn. Ảnh: Quang Hải

Cũng theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện cả TP đang thi công tại hiện trường với những dự án như: tuyến cống liên phường Xuân Hà (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến kênh Phú Lộc), dự kiến hoàn thành trong quý I/2024; tuyến cống liên phường Tam Thuận (đoạn từ hồ Vĩnh Trung đến Vịnh Đà Nẵng), dự kiến hoàn thành trong quý I/2024; tuyến kênh từ Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê (vừa mới hoàn thành); các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn (lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến tỉnh Quảng Nam), dự kiến hoàn thành trong năm 2023; tuyến đường Trục I Tây Bắc - đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến nút giao Quốc lộ 1A và đường Nguyễn An Ninh nối dài - đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A.  

Ngoài ra, Đà Nẵng đang có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước quy mô nhỏ hiện đang được UBND các quận, huyện triển khai. Hy vọng sau khi những công trình, dự án này hoàn thành sẽ giúp Đà Nẵng giảm thiểu được tình trạng ngập đô thị.