Đà Nẵng nên có tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho BĐS

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hạn chế thanh kiểm tra, Đà Nẵng cần giải quyết những tồn động về đất đai và thị trường bất động sản (BĐS) để khơi thông nguồn lực, giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hạn chế thanh kiểm tra chồng chéo đến DN

Sáng 18/7, thảo luận tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng) đã nêu bật những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN đang phải đối mặt. Từ đó, đề xuất nhóm giải pháp để TP tập trung ưu tiên tháo gỡ.

“Đây là giai đoạn thách thức nhất trong vòng 20 năm qua mà cộng đồng DN nói riêng và TP Đà Nẵng đang phải đối mặt. DN đang bị nhiều "cú đấm kép" như hậu Covid-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực. Điều đó tác động đến hoạt động đầu tư, làm suy giảm năng lực và sức cạnh tranh, làm rung lắc và nhiễu động rất mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN” – ông Phúc nói.

Trước tình hình này, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung vào 5 giải pháp ưu tiên. Trước tiên, chính quyền TP cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục và quy trình trong việc giải quyết các thủ tục dầu tư kinh doanh. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh năng động hơn, linh động hơn và cạnh tranh hơn so với khu vực và cả nước; rà soát, loại bỏ hoặc không triển khai thêm các hoạt động mang tính chất rào cản hoặc không tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cơ sở kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp. Ảnh: HĐND TPĐN
Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp. Ảnh: HĐND TPĐN

“Cần có chính sách ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa trong việc chia sẻ, đồng hành và ủng hộ các sản phẩm của địa phương. Trước mắt cần có biện pháp cải thiện ngay các chỉ số bị tụt hạng. Xem đây là một trong những ưu tiên hàng đầu mà TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện trên tinh thần quyết tâm củng cố niềm tin và sự tự tin đối với các nhà đầu tư đang và sẽ tiếp tục đầu tư, làm ăn tại Đà Nẵng”- ông Phúc nhấn mạnh.

Giải pháp tiếp theo ông Phúc đưa ra là UBND TP Đà Nẵng cần có chương trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các dự án đã chuẩn bị kỹ phương án và thủ tục đầu tư cũng như có hiêu quả rất cao. Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí cho DN. Cắt giảm, đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính để tiếp cận tất cả các nguồn vay hiện có trong xã hội.

Tiếp đó, Đà Nẵng cần triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ DN mà HĐND và UBND TP đã ban hành; sẵn sàng sửa đổi, bổ sung các chính sách mới để thúc đẩy, khai thông nguồn lực mới trong bối cảnh mới. Đối với những chính sách thẩm quyền của T.Ư, TP nên quan tâm chủ động lấy ý kiến cộng đồng DN để có ý kiến đề xuất thích đáng với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành T.Ư trong quá trình lập và sửa đổi các quy định luật về thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy chẳng hạn… Tất cả trên tinh thần không tăng thêm gánh nặng và chi phí cho DN, cho người dân trong giai đoạn hiện nay, dù cho chính sách đó có thể mang lại một nguồn thu trước mắt cho ngân sách Nhà nước.

“Trong 6 tháng còn lại và trong năm 2024, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo đến DN, trừ khi người ta có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để DN tập trung lo sản xuất, ổn định tình hình” – ông Phúc đề xuất thêm giải pháp.

Giải quyết tồn động đất đai, tháo gỡ khó khăn cho BĐS

Cuối cùng, theo đại biểu Nguyễn Thanh Phúc, TP Đà Nẵng cần tập trung giải quyết những tồn động về đất đai và thị trường BĐS để khơi thông nguồn lực.

 

Tính đến ngày 20/6/2023, Đà Nẵng có 328 DN, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 0,6% so với cùng kỳ; 2.889 DN, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động, tăng 15,2%. Trong khi đó, số DN và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với 1.055 DN).

“Một trong những nguyên nhân kinh tế suy giảm là do ngành xây dựng và BĐS gặp rất nhiều khó khăn, trầm lắng, thậm chí đóng băng. Các vụ việc liên quan tới đất đai vẫn chưa được xử lý, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ các dự án BĐS đang được triển khai. Ở đây chúng ta có thể đề nghị TP nên có một tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho BĐS, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thành ủy” – ông Phúc đề xuất.

Cụ thể là nên nghiên cứu ban hành khung giá đất mới theo giá đất sát với thị trường để giá đất sát với thực tế hiện tại, làm căn cứ để giảm giá thuê đất cho các đối tượng DN đang thuê hiện nay. Hay giảm tiền thuê đất đối với các DN đang tiếp tục kinh doanh nhưng do khó khăn vẫn còn nợ tiền thuê đất. Trong thời gian trước mắt, không áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản đối với DN còn nợ tiền thuê đất để tạo điều kiện thuận lợi cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Để thu hút các nhà đầu tư mới tiềm năng của Đà Nẵng, đại biểu Phúc cho rằng nên nghiên cứu rút ngắn quy trình chuyển giao đất thương mại đối với các lô đất/khu đất đang bỏ trống nhằm tạo điều kiện cho DN mới vào đầu tư, góp phần khai thông các nguồn lực…

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí nguồn lực đất đai của TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí nguồn lực đất đai của TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải

Được biết UBND TP Đà Nẵng sẽ có tờ trình lên HĐND TP về việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng năm 2023, theo hướng biến động tăng hơn so với hệ số điều chỉnh năm 2022, mức tăng bình quân 23%.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc nêu quan điểm: “Trong khi Quốc hội, Chính phủ và các bộ ban ngành T.Ư đang nỗ lực tìm mọi cách để hỗ trợ DN bằng cách giảm/giãn thuế hoặc nhiều chính sách tài khóa khác, thì HĐND TP Đà Nẵng cần cân nhắc hết sức thận trọng chính sách này, đặc biệt là trong bối cảnh trước mắt và tình hình thực tế những năm gần đây. Tình hình BĐS đóng băng, các giao dịch BĐS sụt giảm nghiêm trọng, DN còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, hệ số điều chỉnh giá đất có tác động toàn diện đến nhiều đối tượng xã hội và DN".  

Trong các buổi tọa đàm, gặp gỡ với lãnh đạo TP Đà Nẵng thời gian qua, các DN có ý kiến giá đất hiện nay rất cao, nhất là khu vực ven biển, từ đó dẫn đến giá cả tăng cao, lợi thế cạnh tranh không bằng so với các điểm đến ở những địa phương khác. DN cũng cho rằng giá đất lên cao không chỉ dẫn đến khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN mà còn tạo ra rào cản đối với vốn đầu tư mới của TP.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phúc, điều chỉnh giá đất phải trả lời được những câu hỏi sau: Chính sách này có giúp khơi thông các nguồn lực hay không? Chính sách có giúp thu hút đầu tư vào TP Đà Nẵng? Chính sách có giúp giữ vững và tăng trưởng kinh tế của TP? Cuối cùng, chính sách này có giúp đảm bảo an sinh xã hội hay không?. “Theo tôi, nếu 2 trong 4 câu hỏi trên không đảm bảo thì nên tạm dừng ban hành chính sách này” – ông Phúc nêu quan điểm.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định, bức tranh hoạt động DN hiện nay rất khó khăn. Ông Triết đề nghị các cấp, ngành đặc biệt quan tâm những vấn đề đại biểu nêu để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, khơi thông nguồn lực của TP.