Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng thiết kế xe hoa mô phỏng những cây cầu trong Lễ hội pháo hoa

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Ban tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) năm 2018, ở lễ hội năm nay sẽ có 12 chiếc xe hoa mô phỏng những cây cầu huyền thoại của 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự được diễu hành trong thời gian diễn ra Lễ hội, riêng chủ nhà Việt Nam đóng góp 5 trên tổng số 12 xe hoa.

Việt Nam: Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902). Cây cầu trở thành biểu tượng lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội, trở thành niềm tự hào và một phần không thể thiếu của văn hóa Thủ đô Hà Nội từ một thế kỷ nay...
Ba Lan: Cầu Świętokrzyski là một cây cầu bắc qua sông Vistula ở Warsaw, Ba Lan kết nối Powiśle với Quận Praga Północ. Cầu đã được khai trương ngày 6/10/2000. Tên cây cầu bắt nguồn từ phố Świętokrzyska, tạo thành một phần của tuyến đường vào từ trung tâm TP.
Pháp: Cầu Tournelle bắc qua sông Seine ở trung tâm thủ đô Paris của Pháp. Ngoài giao thông, cây cầu này còn được sử dụng để đo mực nước ở vùng trung Paris kể từ năm 1759. Cầu Tournelle được cố ý thiết kế không đối xứng để nhấn mạnh sự không đối xứng của phong cảnh sông Seine với nơi này. Gắn liền với hình ảnh cầu Tournelle là Tháp Effel, một công trình kiến trúc bằng thép nằm cạnh sông Seine, TP Paris, trở thành biểu tượng của Paris và nước Pháp, một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới.
Mỹ: Cầu Brooklyn là một trong những cây cầu treo lâu đời nhất Mỹ. Hoàn thành vào năm 1883, cây cầu kết nối hai khu của TP New York là Manhattan và Brooklyn bị chia cắt bởi Sông East. Cùng với đó là hình ảnh Nhà trắng nơi làm việc của các đời Tổng thống Mỹ và Tượng Nữ thần Tự Do một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York.

Ý: Cầu Rialto tại Venezia là một trong các công trình xây dựng nổi tiếng nhất của TP. Cầu bắc qua Kênh Lớn (Canal Grande), nằm cạnh Fondaco dei Tedeschi là trụ sở thương mại của các thương gia người Đức tại Venezia. Cùng với đó là hình ảnh đấu trường La Mã, là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã được hoàn thành năm 80 sau Công Nguyên dưới thời Titus.

Hong Kong - Trung Quốc: Cầu Thanh Mã là cây cầu tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông, cầu này hoàn thành ngày 17/4/1997. Đây là cây cầu có nhịp lớn thứ 7 thế giới. Tên của cầu được đặt theo tên hai hòn đảo là Thanh Y và Mã Loan. Cầu này có cả đường sắt lẫn đường bộ, là nhịp cầu đường ray lớn nhất thế giới.
Thụy Điển: Cầu Oresund là một trong ba khâu nối giao thông cố định từ đảo Amager (Đan Mạch) qua Eo biển Oresund tới Malmö (nam Thụy Điển). Hai khâu kia là đảo nhân tạo Peberholm và 4 đường hầm từ Amager (Đan Mạch) tới đảo nhân tạo này. Cầu Oresund đã nối giao thông cố định giữa vùng tây lục địa châu Âu với vùng bắc bán đảo Scandinavia, cuối cùng nối liền mọi phần đất của Liên minh châu Âu, ngoại trừ Ireland, Malta và Kypros cùng các đảo nằm ngoài lục địa. Cùng với đó là Cung điện Stockholm hay Cung điện Hoàng gia là nơi ở chính thức và cung điện hoàng gia chính của quốc vương Thụy Điển.

Bồ Đào Nha: Cầu 25 de Abril hoàn thành năm 1966. Cầu được sử dụng cho đường bộ & đường sắt, gồm 6 làn xe chạy và 2 đường tàu hỏa. Cùng với đó là hình ảnh TP Lisbon là TP lớn nhất và là thủ đô của Bồ Đào Nha.
Đà Nẵng: Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Đà Nẵng: Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong TP Đà Nẵng và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và bãi biển Non Nước ở rìa phía đông của TP. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật vào lúc 21 giờ các ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.
Đà Nẵng: Với thiết kế mang âm hưởng của phong cách châu Âu, cầu Trần Thị Lý là một bức trinh sôi động, nhộn nhịp của TP Đà Nẵng, tựa như hình cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra biển Đông mang theo khát vọng vươn lên của người dân Đà Nẵng.
Đà Nẵng: Cầu Thuận Phước nằm ở cuối sông Hàn bắc qua vịnh Đà Nẵng nối với bán đảo Sơn Trà, đây cũng là cây cầu nối liền đường Nguyễn Tất Thành và đường Trường Sa - Hoàng Sa là hai tuyến đường đô thị ven biển lớn nhất Việt Nam kết nối vùng du lịch trọng điểm từ hầm Hải Vân vào đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) và khu du lịch bán đảo Sơn Trà.