Đặc xá tha tù: Cần sửa luật theo hướng chặt hơn

Bài, ảnh: Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những bất cập trong Luật Đặc xá hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải sửa đổi điều kiện được đề nghị đặc xá theo hướng chặt chẽ hơn.

Theo Báo cáo Tổng kết 8 năm thi hành Luật Đặc xá trong Công an Nhân dân (2008 - 2016), việc triển khai thực hiện Luật Đặc xá trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm được các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại. Đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá là đúng, phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; Quá trình thực hiện công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch.

Phạm nhân tại Trại giam A2 thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an sau giờ lao động.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc do tồn tại, hạn chế của Luật Đặc xá là diện được đặc xá tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội. Mặt khác, những người được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại, đặc xá tha tù trước thời hạn là những người đã được pháp luật chấp nhận đã chấp hành xong bản án, không còn bị chế định, điều kiện pháp lý nào ràng buộc nên một số đối tượng không chịu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện dẫn đến tái phạm tội.
Mặt khác, so sánh giữa điều kiện đề nghị đặc xá được quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá với điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Bộ luật Hình sự năm 2015) có thể thấy một số điểm chưa phù hợp. Điển hình, một trong những điều kiện được đề nghị đặc xá là đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn tù, còn điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện là đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời hạn tù. Do đó, cần thiết phải sửa đổi điều kiện được đề nghị đặc xá theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể là sửa đổi điều kiện đề nghị đặc xá quy định điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Đặc xá như sau: “Đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần hai thời gian đối với án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là mười lăm năm đối với án phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù”...
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách họ vi phạm nghĩa vụ từ 2 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước. Quy định như vậy vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, vừa có tính răn đe đối với người bị phạm tội. Tuy nhiên, đối với người được đặc xá thì lại không phải chịu thời gian thử thách như người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Chính điều này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và phần nào tạo nên sự không đồng thuận của một bộ phận quần chúng Nhân dân. Vì vậy, cần phải bổ sung một quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách, chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng như quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.