Đại biểu HĐND TP đề nghị dùng chế tài mạnh để đẩy nhanh đầu tư công

Linh Nguyễn - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội sáng 12/9, tại thảo luận tổ, các đại biểu nêu nhiều ý kiến đáng chú ý liên quan vấn đề phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH, vấn đề đầu tư công của TP.

Đánh giá rất kỹ vướng mắc của từng dự án

Mở đầu thảo luận tại tổ 1, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn (ĐB tổ quận Hoàn Kiếm) khẳng định: Nhóm về phân cấp quản lý nhà nước và ủy quyền trong một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn TP đã được chuẩn bị từ rất lâu, rất kỹ lưỡng, song đợt phân cấp này có khác trước là mang tính tổng thể, quy mô lớn hơn, nên Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 08 trước đây sẽ chi tiết hơn, đòi hỏi tới đây trong quá trình thực hiện TP có rà soát thường xuyên để việc phân cấp, ủy quyền đạt hiệu quả cao nhất, tác động tích cực tới phát triển KT-XH của TP Hà Nội. Do đó, các đại biểu cần lưu ý từ thực tiễn tại địa phương, đơn vị mình có khó khăn, bất cập gì qua quá trình thực hiện thì đưa ra thảo luận kỹ, để Nghị quyết được ban hành sẽ sát thực tiễn, tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội và các đại biểu HĐND TP tại Tổ thảo luận 1
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội và các đại biểu HĐND TP tại Tổ thảo luận 1

Cùng đó, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, liên quan vấn đề đầu tư công cũng cần được rất quan tâm, đặc biệt khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn chậm, do một số vướng mắc, song cũng cần nhận thấy vẫn có những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao. Vì vậy, các cấp, ngành TP cần chú trọng kỷ cương trong thực hiện lĩnh vực này, các đại biểu bàn bạc kỹ lưỡng về thứ tự ưu tiên trong danh mục đầu tư. UBND TP sau này cũng cần có kiểm đếm chi tiết, những nội dung nào đã được giao nhiệm vụ, giao chủ trương đầu tư rồi, những nội dung nào chưa tổ chức đấu thầu hay chưa tổ chức thực hiện, thực hiện chậm… đều cần được rõ tiến độ, mới thực hiện được.
“Các cấp, ngành rất quan tâm việc kiểm tra, kiểm đếm, xem vướng mắc ở đâu, giải quyết ra sao. TP đang rất quyết liệt trong công tác này. Vì vậy đòi hỏi các đại biểu nắm bắt tổng quan này để thảo luận trong thời gian không nhiều nhưng đảm bảo hiệu quả” - Chủ tịch HĐND TP lưu ý.

Quan tâm vấn đề đầu tư công, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, thời gian qua, kết quả đầu tư công tại TP chưa được như mong muốn, nên cần triển khai các giải pháp tập trung tăng cường kiểm tra đôn đốc, cũng như trong thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy, Ban chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra tháo gỡ những vướng mắc. Đặc biệt, với những địa phương đơn vị để chậm tiến độ các dự án, cần tăng cường kiểm đếm để rõ trách nhiệm, phê bình và dùng chế tài thì mới giải quyết được.

Đại biểu HĐND TP phát biểu tại tổ
Đại biểu HĐND TP phát biểu tại tổ

Còn Chủ tịch Hội nghệ nhân thợ giỏi TP Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho rằng, với những dự án đã nghiên cứu kỹ, thiết kế chuẩn rồi, TP cần tập trung cao độ triển khai; với các công trình cấp TP cần lập riêng một ban chỉ đạo để báo cáo tiến độ trong từng thời điểm. Nhất là với những công trình cấp huyện, hiện nhiều công trình đang rất chậm, nên cần đánh giá rất kỹ vì đang có vướng mắc rất nhiều liên quan các cơ quan sở ngành. “Đề nghị công trình nào liên quan sở ngành nào đều cần được TP chỉ đạo sát sao và yêu cầu có chốt về tiến độ, kiểm tra, kiểm soát và đôn đốc các sở ngành, nhất là những công trình thiết thực phục vụ dân sinh, có giao ban trao đổi thường xuyên và có báo cáo kết quả về đảm bảo tiến độ thực hiện”- đại biểu nhấn mạnh.

Phân cấp triệt để, tăng trách nhiệm người đứng đầu

Đáng chú ý, ĐB Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà nhận định, phân cấp quản lý là rất cần thiết, giúp tạo chủ động cho các cấp, hỗ trợ giải quyết các TTHC và giảm thời gian phải trình các cấp. Phân cấp có nhiều tác động đến xã hội song tới DN rất rõ nét. “Dưới góc độ DN, chúng tôi đã được lắng nghe nhiều ý kiến từ những DN phải thường xuyên làm các thủ tục liên quan đầu tư, cho thấy họ đang phải thực hiện nhiều thủ tục, dẫn tới cơ hội đầu tư và năng suất lao động giảm, nên phân cấp sẽ giúp họ rất nhiều, đồng thời góp phần giảm bớt lãng phí của xã hội. Tuy nhiên, để phân cấp tốt thì đòi hỏi người đứng đầu các đơn vị, địa phương tăng trách nhiệm khi mình được phân cấp, cán bộ chuyên viên thực hiện nâng cao năng lực” - đại biểu bày tỏ.

Cũng theo ông Lê Vĩnh Sơn, hiện nhiều DN đánh giá đầu tư vào Hà Nội gặp nhiều khó khăn, DN rất ngại vì thực hiện thủ tục lâu, phức tạp. Trong khi tới đây các tỉnh/TP xung quanh Hà Nội chắc chắn sẽ phát triển nhanh vì thủ tục được cải cách gọn nhẹ, hỗ trợ nhiều cho DN, nên Hà Nội cũng nên quan tâm cải thiện vấn đề này sớm, chú trọng cải cách hành chính và phân cấp phân quyền cho hợp lý, để thu hút đầu tư, bởi nếu để mất nguồn lực ra bên ngoài là điều đáng suy nghĩ. Bày tỏ lo ngại về tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đại biểu cũng đề xuất TP có chỉ đạo quyết liệt trong đầu tư công để giảm bớt lãng phí của xã hội và tăng hiệu quả đầu tư, không chỉ trong dự án này mà cả với những dự án khác.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XVI
Quang cảnh Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XVI

Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam, phân cấp là nguyên tắc quản trị tiên tiến tại bất kỳ xã hội nào, và TP Hà Nội cũng đã triển khai từ nhiều năm, khắc phục hạn chế qua các giai đoạn các thời kỳ, góp phần giải quyết các vấn đề nóng… Tại Kỳ họp này, các đại biểu kỳ vọng vấn đề này được xem xét kỹ càng hơn để các cấp, ngành chủ động triển khai thực hiện theo đúng tinh thần mở rộng quyền, đẩy mạnh các chỉ số phân cấp, chủ động đến các cấp, đáp ứng phát triển KT-XH và nhu cầu người dân. Song, việc phân cấp thực hiện chia ra các quận/huyện/thị xã, nên để đảm bảo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, đề nghị TP tăng cường hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương nhất là trong thực hiện các TTHC với những trường hợp phức tạp…, giúp sâu sát hơn trong triển khai phối hợp xử lý; có tổng kết với từng địa phương, lĩnh vực và từng nội dung phân cấp.

Cũng tại Tổ thảo luận này, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xây dựng quy định quy trình cụ thể và phân cấp một cách triệt để, thì việc phân cấp mới thực sự đạt hiệu quả. Cùng đó, cần đảm bảo sự liên thông trong quá trình thực hiện, nhằm nếu xảy ra sai sót ở khâu nào thì có chỉ đạo xử lý ngay; trong quá trình giám sát cần đẩy mạnh tiếp thu các ý kiến của cả các tổ chức chính trị-xã hội của TP…