Đại biểu HĐND TP kiến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Hà Nội chỉ đạt 53%, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước. Do đó, TP cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.

Chiều 7/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, các đại biểu (ĐB) HĐND TP đã thảo luận tại tổ về những nội dung liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 53%

Thảo luận về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ĐB Đàm Văn Huân (Tổ ĐB quận Thanh Xuân) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của TP chỉ đạt 53%, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước. Đáng nói, đến nay chỉ 30% số dự án được HĐND ra quyết định, do vướng mắc Luật đầu tư công.

Các đại biểu HĐND TP tham gia thảo luận tại Tổ chiều 12/7. Ảnh: Ánh Ngọc 
Các đại biểu HĐND TP tham gia thảo luận tại Tổ chiều 12/7. Ảnh: Ánh Ngọc 

ĐB Đàm Văn Huân nhận định, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do từ khâu chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch, giao chuẩn bị đầu tư hiện tiêu chí không rõ ràng. Công tác lập thẩm định, thẩm định dự án có câu chuyện liên quan đến chất lượng tư vấn, chất lượng thẩm định, chất lượng lập quy hoạch, tổ chức thực hiện của đơn vị. Chính việc lập dự án, chất lượng tư vấn thấp khiến dự án phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến thủ tục đầu tư chậm do công tác phối hợp giữa các sở, ngành còn chậm và chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do vướng mắc giải phóng mặt bằng, trong đó có yếu tố thủ tục liên quan đến giá đất, giá nhà, quỹ nhà tái định cư. Do đó, TP cần có những giải pháp khắc phục sớm song song với đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc từ Luật Đầu tư công, Luật Đất đai.

“Đây là căn bệnh kéo dài nhiều năm, nêu nhiều lần, song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm sau vẫn thấp hơn năm trước. Giải pháp trước mắt là đối với những dự án trọng điểm cần tách ra thành 2 dự án thành phần và phân kỳ đầu tư” – ĐB Đàm Văn Huân đề xuất.

Cần chính sách thu hút đầu tư nước sạch, thu gom rác thải

ĐB Trần Hợp Dũng (Đơn vị bầu cử huyên Thanh Trì) băn khoăn một số chỉ tiêu cần làm rõ căn cứ như: Chỉ tiêu về cấp nước sạch nông thôn, chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải cần phải được HĐND TP rà soát kỹ để đảm bảo tính xác thực của chỉ tiêu.

Đại biểu Trần Hợp Dũng tham gia ý kiến vào tổ thảo luận. Ảnh: Ánh Ngọc
Đại biểu Trần Hợp Dũng tham gia ý kiến vào tổ thảo luận. Ảnh: Ánh Ngọc

ĐB Trần Hợp Dũng đề xuất TP cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực đầu tư nước sạch, thu gom xử lý rác thải, nước thải cũng như có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, nhất là khẩn trương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Ngoài ra, TP cần có giải pháp quản lý thị trường bất động sản nói chung, thúc đẩy phát triển nhà tái định cư, nhà ở xã hội nói riêng. Chẳng hạn đối với các dự án bất động sản phát triển đủ điều kiện hoạt động thì nên tạo điều kiện để khôi phục nguồn cung nhà ở trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Tổ ĐB huyện Chương Mỹ) cho biết, cử tri huyện Chương Mỹ ghi nhận, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2022 của TP.  Đến thời điểm này, kinh tế xã hội đã phục hồi hoàn toàn, tạo động lực phát triển cho TP trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt cử tri Chương Mỹ đánh giá cao việc TP triển khai những dự án tuyến đường xuyên tâm, nối vùng như nâng cấp mở rộng QL6, đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô… tạo điều kiện phát triển toàn diện cho huyện Chương Mỹ và các huyện phía Tây Nam TP.

Băn khoăn về chỉ tiêu trường học đạt chuẩn Quốc gia, ĐB Nguyễn Văn Thắng cho rằng, quá trình đô thị hóa tăng nhanh, số học sinh tăng nhanh nhưng huyện có tới 21 trường học không đạt chuẩn; cùng với đó là hiện hữu tình trạng là thiếu giáo viên.

Vì vậy, đề nghị TP quan tâm có cơ chế, chính sách tuyển dụng thu hút giáo viên. Về các dự án xây dựng trường chuẩn, đối với huyện khó khăn không có khả năng bố trí vốn đối ứng như Chương Mỹ, đề xuất TP hỗ trợ 100% vốn dự án.

“Chương Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc phủ kín nước sạch trên địa bàn nên kiến nghị TP quan tâm, đề xuất HĐND TP có chính sách đặc thù về vốn, thuế… để thu hút nhà đầu tư nước sạch tại huyện” – ĐB Nguyễn Văn Thắng kiến nghị.  

Sớm nâng tỷ lệ phủ nước sạch lên 100%, xử lý nước thải lên 50%

Phân tích cụ thể về các giải pháp đề nâng tỷ lệ phủ nước sạch trên địa bàn TP, ĐB Dương Đức Tuấn (Tổ ĐB quận Hai Bà Trưng) cho hay, với chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 tỷ lệ phủ nước sạch khu vực đô thị và nông thôn đạt 90%; năm 2025 là 100%, TP luôn xác định đây là vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội quan trọng.

Để phủ nhanh hơn tỷ lệ nước sạch của TP (hiện TP còn 149 xã “trắng” nước sạch), ĐB Dương Đức Tuấn thông tin: Đối với các xã phía Bắc TP, UBND TP đã cho phép Công ty nước sạch số 2 Hà Nội đảm nhiệm cung cấp mạng nước sạch; đối với những xã phía Nam TP giáp ranh tỉnh Hà Nam, UBND TP thống nhất chủ trương cho phép cung cấp mạng nước sạch thông qua nguồn của tỉnh Hà Nam.

Về một số dự án giao thông trên địa bàn huyện Thanh Trì là trục đường 3,5 (trục động lực Đông Tây) và đường 70 (Phan Trọng Tuệ), UBND TP giao Sở Kế hoạch& Đầu tư, Sở Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Đối với một số công trình có ảnh hưởng tới môi trường như Nhà hỏa táng và nghĩa trang Văn Điển đang trong lộ trình được TP quy hoạch chuyển sang dự án nghĩa trang sinh thái.  

Liên quan đến vấn đề xử lý nước thải, ĐB Dương Đức Tuấn chia sẻ, TP đang quyết liệt chỉ đạo và kỳ vọng khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành các hạng mục và đi vào hoạt động chính thức (dư kiến hoàn thành trước năm 2025) sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải của TP lên gần 50% (hiện nay chỉ đạt 28,8%). Bên cạnh đó, TP cũng đang xúc tiến hoat động của mạng thuộc nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.