Đại biểu HĐND TP truy nguyên nhân thiếu công trình hạ tầng xã hội tại KĐT

Hồng Thái - Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 14/10, các đại biểu HĐND TP Hà Nội yêu cầu Giám đốc các Sở làm rõ có hay không tình trạng không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư nhưng vẫn được điều chỉnh; hay có việc điều chỉnh quy hoạch để đưa ô đất khó GMPB làm công trình hạ tầng xã hội hay không?

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên phát biểu tại phiên giải trình
Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên phát biểu tại phiên giải trình

Có hay không việc dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư nhưng vẫn được điều chỉnh?

ĐB Nguyễn Quang Thắng (tổ ĐB quận Long Biên) nhìn nhận, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở gặp vướng mắc, khó khăn, trong đó có nguyên nhân do chủ đầu tư điều chỉnh dự án. Theo quy định, các cấp có thẩm quyền không được phép điều chỉnh dự án đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định. ĐB đề nghị Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, việc thực hiện quy định này trong thời gian qua, và có trường hợp dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định nhưng vẫn được điều chỉnh không?

Trả lời ĐB Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Sở KHĐT Đỗ Anh Tuấn khẳng định, không có dự án nào không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ được điều chỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện để thẩm định chủ trương đầu tư, gia hạn chủ trương đầu tư, đối với các dự án hạ tầng xã hội, các sở ngành chức năng đánh giá toàn bộ các nội dung triển khai của chủ đầu tư, làm rõ vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc GPMB, nhà đầu tư chưa đưa dựa án vào triển khai thực hiện; quá trình tổ chức thực hiện có vướng mắc về điều chỉnh, nội dung này cần phải làm rõ.

"Quá trình tổ chức thực hiện, Sở đã kiểm tra 118 dự án, đã xử phạt 107 dự án chậm tiến độ báo cáo; xem xét, chuyển thanh tra xử lý theo quy định"- Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết.

ĐB Nguyễn Quang Thắng (tổ ĐB quận Long Biên) nêu vấn đề
ĐB Nguyễn Quang Thắng (tổ ĐB quận Long Biên) nêu vấn đề

Liên quan các dự án hạ tầng xã hội vướng mắc về công tác GPMB, kéo dài thời gian dự án, Giám đốc Sở KH-ĐT nhìn nhận, đây là nguyên nhân khách quan. Đồng thời cho biết, nguyên nhân chủ quan do một số chủ đầu tư chưa nỗ lực đầu tư hạ tầng xã hội, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng xã hội chậm. Sở đã tham mưu TP trong thời gian tới, khi chủ trương đầu tư, liệt kê hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, để tổ chức thời gian hoàn thành của chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đối với hạ tầng xã hội theo kế hoạch.

Có việc điều chỉnh quy hoạch để đưa ô đất khó GMPB làm công trình hạ tầng xã hội?

Cũng liên quan đến vấn đề thiếu hạ tầng xã hội ở các khu đô thị mới, ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở QH-KT về việc có xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch để đưa các ô đất khó GPMB vào làm công trình hạ tầng xã hội, còn ô đất sạch chuyển thành công trình nhà ở không? Việc điều chỉnh các dự án nhà ở khu đô thị hiện nay, với việc tăng quy mô dân số, có tương ứng với diện tích công trình hạ tầng xã hội hay không, và giải pháp đảm bảo tính khả thi khi quy hoạch, bố trí các công trình hạ tầng xã hội?

ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ ĐB huyện Thường Tín) đặt câu hỏi
ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ ĐB huyện Thường Tín) đặt câu hỏi

Trả lời câu hỏi của ĐB Vũ Mạnh Hải, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trúc Anh cho biết: Vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu đã được cập nhật thường xuyên. Qua nhiều thời kỳ quy hoạch chúng ta đã quy định tất cả các khu nghĩa trang ngoài đồng ruộng quy tập dứt điểm không có trong khu đô thị, từ năm 1998 TP kiên trì theo tầm nhìn đó. Đến nay gặp khó khăn, Sở đã có đề xuất điều chỉnh ở các quận Gia Lâm, Long Biên, Bắc Từ Liêm... dành quỹ đất sạch ưu tiên xây dựng trường học trước. Các công viên nghĩa trang tạm thời giữ lại, còn lại các khu khác vẫn phải di dời ra khỏi khu đô thị để theo đuổi định hướng phát triển đô thị của TP.

Về vấn đề quy mô dân số, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ. Theo quy hoạch chúng ta đã phân bổ dân số đến từng đơn vị ở, tương đương với số trường học. "Chúng tôi khẳng định Sở QH-KT chưa bao giờ làm sai quy chuẩn tiêu chuẩn. Quỹ đất đầy đủ nhưng triển khai khó khăn, đặc biệt chủ đầu tư hay đầu tư khu vực kinh doanh có lãi trước, hạ tầng xã hội sau dẫn đến tình trạng thiếu trường học" - Giám đốc Sở QH-KT nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Bích Thủy (tổ ĐB quận Cầu Giấy) đặt câu hỏi. 
ĐB Nguyễn Bích Thủy (tổ ĐB quận Cầu Giấy) đặt câu hỏi. 

ĐB Nguyễn Bích Thủy (tổ ĐB quận Cầu Giấy) đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết, kết quả tiếp nhận, chuyển giao các ô đất từ các chủ đầu tư, bao nhất ô đất đã được đầu tư, xây dựng; bao nhiêu ô đất chưa được thực hiện. Đối với các ô đất thuộc đối tượng chuyển giao, đến nay còn bao nhiêu ô? Sở có giải pháp gì để sớm đưa các ô đất vào đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân?

Trả lời ĐB Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Sở TN-MT Bùi Duy Cường cho biết với các quỹ đất công động, dự án ngoài ngân sách,…các lô đất này do TP quản lý. Sở TNMT cùng các quận huyện rà soát tổng thể các dự án phải bàn giao đất. Kết quả, rà soát được 130 dự án phải bàn giao với 314 lô đất, với diện tích 249 hecta. Trường hợp các quận huyện có nhu cầu sử dụng các lô đất để xây trường học thì sẽ có báo cáo UBND TP để bàn giao cho quận huyện để tiếp nhận các lô đất xây trường học. Với 73 lô đất chưa bàn giao, là do chưa GPMB xong và chưa xong hạ tầng kỹ thuật. Trong thời gian tới, các địa phương đôn đốc các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ GPMB; chủ động đầu tư theo nguồn vốn ngân sách.

Dự án mới phải có đầy đủ hạ tầng tương ứng

ĐB Duy Hoàng Dương (Tổ ĐB huyện Hoài Đức) nêu những bất cập, hạn chế liên quan lĩnh vực quy hoạch; trong đó, có việc chồng lấn chỉ giới quy hoạch; các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa thực hiện được do liên quan thực hiện quy hoạch, GPMB. ĐB Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi với Giám đốc Sở QH-KT về nguyên nhân, bất cập, trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đồng thời, với trách nhiệm của Sở QH-KT, đơn vị đã tham mưu TP thế nào để có giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên?

ĐB Duy Hoàng Dương (Tổ ĐB huyện Hoài Đức) nêu câu hỏi
ĐB Duy Hoàng Dương (Tổ ĐB huyện Hoài Đức) nêu câu hỏi

Trả lời câu hỏi của ĐB Duy Hoàng Dương, về hệ thống cost san nền, thoát nước phía Tây TP có tình trạng úng ngập cục bộ, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trúc Anh cho biết: Về nguyên nhân, theo quy hoạch thiết kế của TP thiết kế hệ thống thoát nước với công suất 310mm/2 ngày, vừa rồi có những trận mưa lên tới 130-160mm trong 2 giờ đồng hồ nên công suất vượt quá khả năng thoát nước dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực.

Nguyên nhân sâu xa thì trong hệ thống quy hoạch của chúng ta đầy đủ hết hệ thống cost san nền. Trong quy hoạch chung Thủ đô có bố trí hồ điều hoà chiếm 5-7% diện tích phát triển đô thị. Ở khu vực phía Tây do quá trình quản lý, tất cả các công viên, hồ điều hoà xây dựng chưa hết. "Vừa rồi Thành ủy Hà Nội cũng ra Chỉ thị không lấp các ao hồ, mặt nước. Chúng tôi cũng sẽ quán triệt chỉ đạo với các sở, ngành" – Giám đốc Sở QH-KT nói

Theo Giám đốc Sở QH-KT, thực chất về quy hoạch rất đầy đủ, nếu chúng ta thực hiện được đúng kết nối đồng bộ quy hoạch thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng quá trình thực hiện khớp nối còn nhiều lệch lạc dẫn đến chưa thông thoát được, hệ thống hồ điều hoà chưa kết nối được với các khu đô thị. Vì thế, chúng tôi kiến nghị cấp dự án theo trình độ phát triển, phải có hệ thống cây xanh, hồ điều hoà, hạ tầng tương ứng thì mới cấp dự án.

Giải pháp khắc phục hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phòng cháy chữa cháy tại các khu đô thị?

ĐB Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ ĐB quận Nam Từ Liêm) quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu đô thị. Trong 9 tháng đầu năm đã có 16 vụ cháy tại các khu đô thị. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do bất cập về hạ tầng kỹ thuật. ĐB đề nghị Giám đốc Công an TP về kết quả kiểm tra các vi phạm tại các khu đô thị và các giải pháp khắc phục?

Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Thanh Tùng.
Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Thanh Tùng.

Trả lời, Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Thanh Tùng cho biết, qua giám sát có 1.230 chung cư thấp tầng; 1.500 nhà tập thể chung cư cũ; 1.386 cơ sở nhà cao tầng… Từ năm 2019 đến nay, Công an TP đã phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy với 24.000 lượt, xử phạt 636 trường hợp với hơn 8,7 tỷ đồng; ban hành đề xuất hơn 110 quyết định đình chỉ hoạt động. Thời gian qua, Công an TP đã tham mưu cho UBND TP quyết liệt chỉ đạo công tác phối hợp kiểm tra. Từ năm 2017 đến nay có 17 công trình cao tầng vi phạm, đề nghị các đơn vị khắc phục. Đối với các công trình mới xây, các chủ đầu tư thực hiện tương đối tốt về công tác phòng cháy chữa cháy.

Tháng 7 vừa qua, UBND TP đã ban hành quy định về công tác kiểm tra về PCCC. Đây là hành lang pháp lý quan trọng. Công an TP đã tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch tổng kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các nhà chung cư cao tầng. Thời gian tới, Công an TP tiếp tục phối hợp tăng cường với các sở ngành để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ.