Đại biểu Quốc hội ao ước Việt Nam có một vài loại rượu nổi tiếng thế giới

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 12/11, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. ĐB Nguyễn Anh Trí chia sẻ ao ước Việt Nam có một vài loại rượu nổi tiếng thế giới, để mọi khách quốc tế đều phải mua về như Whiskey của Scotland, Sake của Nhật Bản, Vodka của Nga,…

 ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu.
Các ĐB đánh giá cao ban soạn thảo đã xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và cho rằng việc ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh.
ĐB Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Ban soạn thảo, tôi được biết họ đã đeo bám 8 năm nay. Tôi may mắn được dự ít nhất 5 cuộc họp liên quan đến xây dựng Dự Luật này. Tôi đồng ý có Bộ Luật này và có càng sớm càng tối”.
ĐB Trần Thị Phương Hoa cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia nên được ban hành sớm hơn nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ rượu bia gây ra. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia ở mức cao trong khu vực. Việc ban hành luật không chỉ giúp kiểm soát được tình trạng sản xuất rượu thủ công (74%) mà còn giúp hạn chế các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, giúp nâng cao sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội.
 ĐB Trần Thị Phương Hoa phát biểu.
Về tên gọi của luật, hiện còn 2 ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đồng tình với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”; ý kiến thứ hai đề nghị lấy tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.
ĐB Nguyễn Quốc Bình đồng tình với ý kiến thứ nhất vì tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm. Mặt khác, ĐB cho rằng, lấy tên gọi thứ hai, lại phải định nghĩa thế nào là cồn, thế nào là cồn công nghiệp,… càng thêm phức tạp.  
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Trí và ĐB Nguyễn Quốc Hưng đề xuất tên gọi là Luật kiểm soát đồ uống có cồn. Bởi trong thực tế, không chỉ có rượu bia mà còn rất nhiều loại thức uống có cồn tồn tại dưới hình thức và tên gọi khác nhau. Do vậy tên gọi là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn mang tính bao quát hơn.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cần bao gồm cả những quy định liên quan đến việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia. Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe thì các chính sách, giải pháp trong dự án Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
 ĐB Nguyễn Quốc Bình phát biểu.
ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị Luật này cần có quy định quản lý nghiêm tất cả các khâu, từ sản xuất, mua bán đến sử dụng. Đặc biệt là quy định rõ việc sản xuất rượu phải đảm bảo chất lượng, khuyến khích sản suất các loại rượu ngon hơn, bổ hơn, và mang đặc trưng của Việt Nam. “Tôi ao ước Việt Nam có một vài loại rượu nổi tiếng thế giới, để khi khách quốc tế ngang qua đều phải mua mang về. Thế giới đã có rất nhiều nước làm được điều đó, như: Whiskey của Scotland; Sake của Nhật Bản; Vodka của Nga,…”.
Theo ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng Luật cần chú trọng hướng dẫn, truyền thông cho mọi người làm đúng, làm tốt, không làm sai, làm ẩu khi sản xuất, mua bán, sử dụng rượu, bia. Bởi, rượu/bia sử dụng đúng cách có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, chỉ khi lạm dụng mới gây hậu quả xấu.
Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cũng cho rằng, cần có nguồn kinh phí để làm truyền thông, để người dân uống rượu văn minh… Bên cạnh đó, việc quy định quảng cáo, giới hạn độ cồn là không cần thiết, vì đây là một loại hàng hóa và các cụ đã dạy: “Rượu nhạt uống lắm cũng say”, bia uống nhiều cũng say.
“Điều 10 trong Dự Luật có quy định các tổ chức, cá nhân không được khuyến mãi bằng rượu, bia; dùng rượu, bia làm giải thưởng đến người tiêu dùng… điều này bất hợp lý và không cần thiết”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
Tại buổi thảo luận, hầu hết các ĐB đều cho rằng Bộ Luật này là cần thiết, nhưng cần phải soạn lại vì có những chi tiết, quy định không cần thiết, chưa phù hợp với thực tiễn.