Đại biểu Quốc hội cảm giác xử lý trách nhiệm không tương xứng với các đám cháy

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường chiều 13/11 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018, từ thực tế đi giám sát tại một số doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) nhận thấy, mặc dù có cùng điều kiện, hoàn cảnh, lực lượng và có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng có những doanh nghiệp thực hiện công tác PCCC rất tốt.

Ban quản lý các khu vực chung cư tổ chức PCCC có nhiều vấn đề
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng “Ở đây là vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp. Ở những đơn vị này, mặc dù có nguy cơ cháy cao nhưng họ quán triệt rất tốt. Về lực lượng PCCC, công nhân trực tiếp cũng như các phương án chữa cháy... khi kiểm tra đều thấy được làm rất tốt và nhiều năm qua khôngxảy ra cháy, nổ. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp chỉ trong 4 năm để xảy ra trên 7 vụ cháy nổ."
Chính vì vậy, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị, dự thảo Nghị quyết của QH cần yêu cầu Chính phủ đưa ra thời gian, giải pháp và lộ trình cụ thể để giải quyết, xử lý những vi phạm pháp luật về PCCC, đặc biệt là những công trình, doanh nghiệp vi phạm. Dự thảo Nghị quyết của QH cũng cần đề cập tới lộ trình xây dựng các lực lượng tham gia PCCC gồm: lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng phòng cháy cơ sở. Ba lực lượng này đáp ứng yêu cầu về "4 tại chỗ" trong PCCC, nhưng hiện nay ba lực lượng này quân số cũng chưa đủ, nhiệm vụ chưa bảo đảm, việc diễn tập, nâng cao kỹ năng còn hạn chế.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an cần tham mưu cho Chính phủ để rà soát lại nhằm kiện toàn các lực lượng này, bảo đảm khi tình huống xảy ra thì chúng ta thực hiện được "4 tại chỗ" trong khắc phục hậu quả do hỏa hoạn gây ra.
"Đối với lực lượng PCCC tại các khu chung cư, hiện nay, ban quản lý các khu vực chung cư tổ chức có nhiều vấn đề." - Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nêu và cho rằng, Chính phủ cần bàn vấn đề này vì đây là quản lý số lượng dân cư lớn, có những khu dân cư với số cư dân nhiều hơn một phường, trong khi bộ máy quản lý dân cư chưa rõ.
"Ở đây, chỉ có đội PCCC cấp cơ sở, cần phải có lực lượng PCCC chuyên ngành tại những chung cư lớn, bởi khi tình huống xảy ra, đường xá chật hẹp, giao thông ách tắc, xe PCCC gặp khó khăn để đến dập lửa kịp thời. Do đó, cần có lực lượng PCCC đủ mạnh tại khu chung cư.”. - Ông Nghĩa nhấn mạnh.
“Cảm giác xử lý trách nhiệm không tương xứng với các đám cháy”
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): “Chỉ trong một năm, từ tháng 7/2018 đến thời điểm báo cáo QH hôm nay đã có đến 43 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86,4% của 4 năm trước”. Sau khi dẫn ra số liệu này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là vấn đề cần phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân, đặc biệt nổi lên ở 3 địa phương gồm Hà Nội đứng đầu bảng, tiếp đến là Bình Dương và TP Hồ Chí Minh..., đây đều là những địa phương phát triển về kinh tế, công nghiệp.
“Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta phát triển “nóng” quá hay là do trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, “báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ”. Cảm giác “xử lý không tương xứng với các đám cháy”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Cử tri đặt câu hỏi, phải chăng các đám cháy không đến với lãnh đạo ở các cấp, các ngành nên các đồng chí không có trách nhiệm gì chỉ có người dân chịu thôi?"
Việc chúng ta truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân, lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn”.
"Báo cáo cũng cho thấy, chỉ có HĐND 4 tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác PCCC, còn 59 tỉnh, thành phố không ban hành thì có trách nhiệm gì không? Trách nhiệm trong việc giám sát, chỉ đạo, ban hành Nghị quyết đối với công tác này như thế nào? Vấn đề này, cần phải nghiên cứu thật sâu sắc", ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Nguyên nhân cháy nổ thì trước hết là do con người, tiếp đó là do thiên nhiên; thiên nhiên thì không thể truy cứu trách nhiệm được, còn con người thì dù là vô tình hay cố ý thì đều phải truy cứu trách nhiệm. Nói về điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Anh lơ là, không quản lý, buông lỏng quản lý là đã phải truy trách nhiệm rồi, chứ chưa cần nói đến trường hợp có dã tâm, độc ác, phóng hỏa để trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau. Cũng theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, “nếu tiếp tục rút kinh nghiệm, hay không đặt vấn đề về trách nhiệm - không phải là vấn đề “đề cao trách nhiệm” mà phải “xử lý trách nhiệm” đối với người đứng đầu, các cán bộ, lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn”.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị nên bổ sung nội dung: “Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bên cạnh việc đề cao trách nhiệm ở Khoản 3, Điều 2”.
Nêu cao trách nhiệm của các đối tượng, lực lượng PCCC

Kết thúc Phiên giám sát ngày 13/11, đã 38 đại biểu đăng ký và phát biểu. Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phát biểu giải trình một số vấn đề có liên quan mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, sâu sắc và mang tính xây dựng. Cơ bản ý kiến các ĐBQH tán thành với Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018; đánh giá cao Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan đã làm việc tích cực, trách nhiệm trong quá trình triển khai chuyên đề giám sát. Dự thảo Báo cáo giám sát đã thể hiện tương đối toàn diện, đưa ra những nhận định, đánh giá có số liệu, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng, qua đó đưa ra các giải pháp, đề xuất kiến nghị cụ thể. Báo cáo kết quả giám sát đã cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

"Đây là nội dung giám sát là rất cần thiết, liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống, tính mạng của Nhân dân. " - Ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Chuyên đề giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình cháy nổ."

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các ý kiến cho rằng dự thảo Nghị quyết tương đối đầy đủ, sát với kết quả giám sát. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ các kiến nghị, các chỉ tiêu giao Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương để cụ thể thêm, tăng cường tính chủ động trong công tác PCCC, gắn với trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng, tránh chung chung, bảo đảm khả thi, tiện cho giám sát.

Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn… Điều đó sẽ tác động lớn đến tình hình cháy, nổ; đặt ra cho công tác PCCC nhiệm vụ rất nặng nề. Nêu bật bối cảnh tình hình này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: 'Về chủ trương, qua cuộc giám sát này, không thể hy vọng chấm dứt được hoàn toàn việc cháy nổ, nhưng đây là cơ hội để có các giải pháp phù hợp, cần thiết nhằm nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng, lực lượng trong công tác PCCC, từ đó hạn chế, loại trừ được các nguyên nhân gây cháy, tiến tới giảm thiệt hại về người và tài sản trong cháy, nổ góp phần bảo đảm sự bình an của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước."