Đại biểu Quốc hội: “Cử tri hỏi chúng tôi việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không?”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của người dân là ông bà có nhận thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không? Tôi hiểu và cảm nhận được rằng, đằng sau câu hỏi đó là sự băn khoăn, lo lắng của người dân. Có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế”, đại biểu Vũ thị Lưu Mai chia sẻ.

“Trân trọng cảm ơn cử tri đã ủng hộ, bỏ phiếu để bầu ra chúng tôi”

Ngày 26/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Thảo luận tại hội trường, đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, đây là hoạt động được người dân kỳ vọng cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực tỏa sáng thêm một lần nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các đại biểu phải thẳng thắn, dám đấu tranh, khách quan, công bằng trong đánh giá tín nhiệm.
  Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) 
Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm theo bà Mai đã mang lại hiệu ứng tích cực, những đóng góp của người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.

“Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của người dân là ông bà có nhận thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không? Tôi hiểu và cảm nhận được rằng, đằng sau câu hỏi đó là sự băn khoăn, lo lắng của người dân. Có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ.

Theo đại biểu, tới đây, khi tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cần quan tâm đến hai khía cạnh, trước hết là các mức lấy phiếu tín nhiệm. Hiện nay chúng ta đang để ba mức: tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. Việc để 3 mức khó lượng hóa, khó so sánh trong việc đánh giá kết quả giữa những đối tượng được lấy phiếu xin ý kiến.

Vấn đề nữa là số lần lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta đang lấy phiếu tín nhiệm một lần, song để đánh giá được những cố gắng, những tiến bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm thì một số ý kiến đề xuất, nên chăng thực hiện hai lần trong một nhiệm kỳ.

Cho rằng, hoạt động Quốc hội như đi trên một con đường không bao giờ có điểm kết thúc vì cuộc sống luôn có sự tiếp nối, thế hệ đại biểu sau nối tiếp thế hệ đại biểu trước, đại biểu Quốc hội Hà Nội nhấn mạnh, yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội đáp ứng sự mong mỏi của người dân là yêu cầu bắt buộc.

“Tại thời khắc cuối cùng của nhiệm kỳ, chúng tôi cũng như tất cả rất nhiều đại biểu muốn nói lời trân trọng cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo, cảm ơn cử tri đã ủng hộ, bỏ phiếu để bầu ra chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng dù ở đâu, những người đã từng đại biểu Quốc hội sẽ luôn cố gắng để làm tròn bổn phận của mình vì ít nhất đã có một lần trong đời đã được người dân tin tưởng và lựa chọn”, bà Mai bày tỏ.

Tuổi thọ của luật còn hạn chế

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, để chuẩn bị cho các bài phát biểu chỉ mấy phút trên diễn đàn của Quốc hội, ông và nhiều đại biểu Quốc hội đã thức thâu đêm, trăn trở; có đại biểu Quốc hội kỳ nào cũng phát biểu, đeo đuổi một vấn đề mà cử tri kỳ vọng, gửi gắm. “Đó là những động lực, truyền lửa cho nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội chúng tôi”, đại biểu nói.
 Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)
Về công tác lập pháp, đại biểu đánh giá, đây là công tác quan trọng nhất của Quốc hội. Ngay cả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng đề cập tới vấn đề tiếp tục cải thể chế đồng bộ. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật và rất nhiều nghị quyết. Tuy nhiên, trong 72 luật đó, hơn 1/3 luật là sửa đổi và bổ sung. Con số đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. Đã là luật thì phải mang tính ổn định, lâu dài. Có luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi; một số luật khác lại chậm sửa đổi, chậm ban hành mà kỳ nào tiếp xúc cử tri cũng phản ánh như Luật Đất đai.

Trong báo cáo nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ con số 570 chuyến lên rừng xuống biển trong nhiệm kỳ vừa rồi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, quyết tâm nhưng đâu đó cũng thể hiện địa phương còn lúng túng với hệ thống văn bản pháp luật chưa rõ ràng, chồng chéo.

Nêu thực tế này, ông Ngân nhấn mạnh, công tác đầu tư cho luật pháp, kể cả nguồn nhân lực cũng như tài chính còn nhiều hạn chế. Quy trình soạn thảo luật pháp cần chuyên nghiệp hơn, cần huy động sự tham gia nhiều hơn của các chuyên gia và phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Công tác giám sát thực thi pháp luật cần được Quốc hội quan tâm hơn, tăng cường giám sát hơn. Ban hành luật xong chưa đủ, công tác triển khai, thực thi cũng cần được giám sát nghiêm túc.

Hay như vấn đề ủy quyền lập pháp. Sau khi luật được ban hành, Quốc hội thường giao cho Chính phủ hướng dẫn, qui định chi tiết. Vậy Quốc hội có giám sát việc quy định chi tiết đó chưa? Đặt câu hỏi này, ông Ngân cho rằng, “có, nhưng còn ít, còn khiêm tốn. Quốc hội cần giám sát công tác ủy quyền lập pháp để các nghị định, thông tư phải phù hợp với thực tế cuộc sống”,

Về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, ông Ngân cho rằng, công tác cung cấp tài liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của đại biểu Quốc hội, tuy đã được cải tiến nhưng còn chậm. “Để đại biểu Quốc hội mạnh dạn bấm nút thông qua, chúng tôi cần được cung cấp tài liệu sớm hơn để có thể tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân”, Đại biểu bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần