Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung loại hình thiên tai “cháy rừng”

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban: Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Pháp luật, Kinh tế cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Ngày 24/3/2020, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật này.
 
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng, sau Kỳ họp thứ 8, với nhiều lần góp ý kiến, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung góp ý vào các điều, khoản của dự thảo Luật.
Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung loại hình thiên tai “cháy rừng” vào trong dự thảo luật vì tính chất khốc liệt của loại cháy này và thiệt hại gây ra.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng), đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; cháy rừng có thể do tác động của thiên nhiên, cũng có thể do tác động của con người. Tuy nhiên, cháy rừng không phải lúc nào cũng do con người. Theo đại biểu, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng, khô hạn kéo dài có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng tự nhiên luôn ở mức cao. Hơn nữa, theo thống kê những năm gần đây, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều vụ cháy rừng tự nhiên. Do vậy, đại biểu cho rằng, cháy rừng do nắng nóng, hạn hán kéo dài ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát.
Các đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy không chồng chéo, đồng thời sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy, chữa cháy (chủ yếu quy định phòng ngừa tác nhân cháy do con người gây ra) khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành. Việc quy định cháy rừng là một loại hình thiên tai sẽ tạo được cơ chế để giải quyết hậu quả của cháy rừng.
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, tại Việt Nam có một số loại thiên tai chưa được quy định trong luật đã gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống thiên tai. Do đó, đại biểu cho rằng nội dung này nên giao Chính phủ hướng dẫn xác định mức cháy rừng như thế nào được coi là thiên tai.
 Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) phát biểu
Về việc đưa sương mù vào như một loại hình thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho biết cử tri miền núi băn khoăn về việc đưa sương mù là hiện tượng thiên tai. Ở vùng núi, người dân sống quen với hiện tượng sương mù, không phải là hiện tượng bất thường. Sương mù dù có gây một số khó khăn trong cuộc sống, giao thông, nhưng thiệt hại không nhiều. Do vậy, nếu chúng ta quy định sương mù là một hiện tượng thiên tai thì không hiểu nước Anh sẽ như thế nào? Nước Anh tự hào vì là một "xứ sở sương mù" thì chúng ta đưa thành một hiện tượng thiên tai. Các giải pháp ứng phó với hiện tượng thiên tai này quy định tại dự thảo Luật cũng chỉ là có biển báo, thông báo. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
Liên quan đến quy định về nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống thiên tai, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, thực tế thảm họa thiên tại không chỉ dừng lại ở giới hạn trong nước, mà nó mang tính toàn cầu. Do vậy, để ứng phó hiệu quả, chúng ta cần có sự hợp tác quốc tế. Đại biểu đề nghị, bổ sung nội dung về hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng, chống thiên tai vào dự thảo luật cho phù hợp.
Để có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả các tình huống thiên tai xảy đến, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị dự thảo Luật cần quy định theo hướng tăng cường giao trách nhiệm phòng, chống thiên tai cho các lực lượng tại chỗ (như lực lượng dân quân tự vệ, các tổ chức thanh niên, phụ nữ…)
 Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương và thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, ngoài các nhiệm vụ chi cho hoạt động phòng, chống thiên tai như dự thảo Luật đã quy định, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung quy định về ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai; tập huấn cán bộ; lập bản đổ phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai…vào các nhiệm vụ chi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai luôn là vấn đề đặt ra với sự phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, với vị trí của Việt Nam nằm ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, bên bờ biển Đông, rốn bão của thế giới, do đó Việt Nam thường xuyên gặp thiên tai.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Việt Nam nằm trong 05 nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, chúng ta phải luôn luôn có chính sách, chủ trương tùy từng giai đoạn, kịp thời.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình một số nội dung

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc hội cho phép sửa Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý một cách đầy đủ, phù hợp hơn để thích ứng với tình hình mới. Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường và thảo luận tổ, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung với nhiều 13 nhóm vấn đề đã được tiếp thu giải trình.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua./.