Đại biểu Quốc hội: Không để đường sắt Cát Linh – Hà Đông sai hẹn đến lần thứ 9

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn về đích đến lần thứ 9.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 3/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội. Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nêu thực trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề như dự án lớn, đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, gây bức xúc, cần rút kinh nghiệm để không lặp lại các dự án sau.
 Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội)
Đại biểu cho rằng các dự án đường sắt đô thị cần phải gắn kết với không gian đô thị, đời sống đô thị để phát huy hiệu quả. Theo đại biểu, đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không theo định hướng phát triển hệ thống vận tải công cộng, phát triển theo quy luật kinh tế, mật độ đường rất thấp, nhiều khu phát triển tự phát, thiếu không gian đi bộ, vận tải công cộng không thể tiếp cận...
“Vì thế, bộ 3 rất đặc biệt là cảnh quan nhà phố; kinh tế vỉa hè; văn hóa xe máy có thể coi là khá đặc trưng của đô thị Việt Nam”, đại biểu bày tỏ.
Hiện nay các dự án đường sắt đô thị ít chú ý đến sự phát triển liên kết không gian đô thị, cho nên các dự án đường sắt đô thị dường như là hệ thống nhập khẩu, phép cộng thuần túy cho loại hình giao thông mới vào không gian đô thị.
Đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ có cơ chế gỡ vướng quy hoạch, đầu tư tích hợp đường sắt đô thị gắn với tái cấu trúc đô thị cũ, phát triển khu mới như đô thị vệ tinh hoặc đô thị hai bên sông Hồng...
Hiện Việt Nam chưa có hệ thống quy chuẩn đường sắt đô thị nên việc nghiệm thu dự án khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư; ngoài ra để giảm chi phí, tăng tính chủ động, cần khẩn trường làm chủ công nghệ càng nhanh càng tốt...
Hiện các dự án triển khai bằng ngân sách Nhà nước hạn hẹp và ODA, đại biểu đề nghị Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như ở Tokyo (Nhật Bản) để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư...
Nhấn mạnh dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được cử tri quan tâm, đây là dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Hà Nội là đơn vị tiếp nhận, thụ hưởng. Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Bộ GTVT và thành lập tổ công tác tháo gỡ, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, Quốc hội... Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn về đích đến lần thứ 9.
Đại biểu lưu ý 3 kinh nghiệm, thứ nhất, cần đánh giá, rút kinh nghiệm các dự án ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay, nhất là việc lựa chọn, chỉ định tổng thầu. Việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến", đại biểu nói.