Đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng Trần Hồng Hà vấn đề ô nhiễm môi trường

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,… liên tục được các ĐB Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 4/6 và sáng 5/6.

Yên tâm về môi trường của hai nhà máy Alumin
Tại phiên chất vấn sáng 5/6, ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) bày tỏ lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hai nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng).
ĐB nêu: Hai nhà máy này đã 3, 4 lần xảy ra sự cố kỹ thuật, hệ thống xử lý môi trường xuống cấp sau 9 năm sử dụng, gây ra nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và là thảm hoạ nếu để xảy ra vỡ hồ thải, hồ bùn đỏ. Đề nghị Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết thực trạng, giải pháp gì để phòng ngừa sự cố.
 ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai).
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hà cho biết, qua kiểm tra thực tế tại nhà máy Alumin Nhân Cơ cho thấy có sự cố nhưng "chỉ là rò rỉ chứ không phải là những sự cố có thể gây ra vấn đề khủng hoảng lớn về môi trường". Bộ Tài nguyên đã có chấn chỉnh và hiện giám sát thường xuyên.
Cũng theo Tư lệnh ngành TNMT, việc đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn đỏ được thực hiện theo ba lớp, trong đó lớp thứ 2, 3 để phòng khi có vỡ lớn hoặc sạt lở. Độ bền của những hồ trên đã được các cơ quan liên quan, Bộ Xây dựng thẩm định.
Bộ trưởng khẳng định: “Với những biện pháp đảm bảo môi trường hiện nay thì chúng ta có thể yên tâm”.
Về hiệu quả kinh tế của hai nhà máy Alumin, lãnh đạo Bộ Tài nguyên thông tin giá Alumin đang lên. "Ngành than vừa rổi thắng lợi lớn chính là nhờ giá Alumin lên cao, hiện không đủ để xuất khấu", Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng theo ông, hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, có công suất mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm (sau điều chỉnh). Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp quyền thăm dò, khai thác cho TKV để thực hiện khai thác bô xít, alumin. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các mỏ tại Tân Rai là 297,4 tỷ đồng, chia thành 21 lần nộp; dự án Nhân Cơ là 345,5 tỷ tương ứng 15 lần nộp.
Chưa thể kiểm soát và làm giảm đi tình hình ô nhiễm
Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường, ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) nêu vấn đề: Trong thời gian vừa qua, Bộ TNMT đã có nhiều giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra. Việc xử lý chưa hiệu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở trên các sông, như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Cầu, sông Đồng Nai.
 Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của bộ và giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của ĐB Hoàng Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông đó là vấn đề nổi lên hiện nay. Theo ông, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất phát các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp; các làng nghề truyền thống;…
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đã nêu lên một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh quan điểm cần xác định từng địa phương phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình; phải có sự đầu tư huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước, rác thải và có công nghệ thích hợp xử lý phân tán hoặc xử lý chung; cần huy động, thu hút sự giam gia sâu rộng hơn của người dân trong vấn đề giảm thải và xử lý ô nhiễm môi trường;…
Phát biểu ý kiến, ĐB Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu quan điểm: Đất và nước là 2 lĩnh vực quan trọng đối với mỗi quốc gia và mỗi con người. Nhưng hiện nay đất và nước đều bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, phần lớn là do rác thải và phế liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác đã trở lên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của các chính quyền địa phương cũng như gây lãng phí vì đã đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.
Đáp lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận, hiện nay tình hình vẫn chưa thể kiểm soát và làm giảm đi tình hình ô nhiễm, trong đó có vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc, là nguồn cơn của vấn đề bức xúc môi trường.
Tư lệnh ngành TNMT bày tỏ: “Tôi đồng tình với ĐB. Nếu nói vấn đề rác thải, với tư cách Bộ trưởng Bộ TNMT tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Bộ trưởng cho biết, các cơ quan chức năng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải, trong đó đã nói đầy đủ từ quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, đặc biệt là chú trọng đến công nghệ xử lý rác.
Cho biết các giải pháp hiện Bộ TNMT đang nỗ lực thực hiện cũng như các giải pháp phối hợp với các bộ, ngành chức năng trong vấn đề xử lý rác thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần có sự quan tâm tạo phong trào toàn dân tham gia xử lý rác, phân loại tại nguồn, qua đó đó có thể áp dụng các công nghệ xử lý rác hữu hiệu; hướng tới mục tiêu tiêu đến năm 2025 chỉ còn 7% rác phải chôn lấp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Các bãi rác cũ hiện nay quỹ đất chiếm rất lớn và ô nhiễm, chúng tôi sẽ xem xét xử lý hiệu quả”.
Huy động Nhân dân tham gia vào phân loại rác
Tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ĐB Lê Công Nhường cho rằng, tình hình xử lý rác hiện nay rất bức xúc, các địa phương đều quá tải và một số địa phương sử dụng những lò đốt rác nhỏ không đạt tiêu chuẩn và tình hình rác hiện nay ô nhiễm rất nhiều nơi ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, chúng ta đã có quy định quy trình xử lý các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên do không có kinh phí thành ra bao bì này đã bị rơi vãi, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Những việc này rất cấp bách, đề nghị Bộ trưởng giải quyết.
 ĐB Lê Công Nhường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp thu ý kiến của ĐB Lê Công Nhường, đồng thời nhấn mạnh: “Mô hình mẫu về công nghệ rất nhiều nhưng có một vấn đề phải làm được đó là sự tham gia, ủng hộ của người nhân dân, huy động Nhân dân tham gia vào phân loại rác, khi đó sẽ phát huy hiệu quả của các công nghệ (kể cả Việt Nam và quốc tế)”.
Tiếp tục “truy” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nêu vấn đề hầu hết các cụm công nghiệp và nhiều khu công nghiệp trên cả nước chưa có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; chính vì vậy mà cử tri rất lo lắng về tình trạng xả thải không qua xử lý ra môi trường; đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình cụ thể của hiện trạng này và giải pháp để chấm dứt tình trạng này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thực trạng vấn đề mà ĐB phản án là đúng và nhấn mạnh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý cụm công nghiệp, khu công nghiệp và trong đó đã giao các nhiệm vụ rất rõ. Bộ Trưởng cũng nhấn mạnh cấp tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường, cấp huyện cần phải tăng cường năng lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đánh giá toàn bộ việc bố trí của các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, rà soát lại các loại hình và. Đồng thời, phải có ngay danh sách các loại hình ô nhiễm quá ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân thì phải đình chỉ hoạt động.
Trước đó, chiều 4/6, đề cập đến vấn đề ô nhiễm khói bụi, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm bụi cũng rất nghiêm trọng, nhất là tại các TP lớn, theo bản tin hàng ngày, cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có biện pháp gì để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng này.
Đánh giá cao câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí, song Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ không đồng tình với số liệu mà ĐB nêu lên bởi công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang có thì cũng chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định: “Đương nhiên, chúng ta thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn, các đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng và nguồn từ hoạt động giao thông là có”.
Tư lệnh ngành TNMT cho hay, hiện nay Bộ TNMT là cơ quan quản lý đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí. Qua đó sẽ biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào và phải công bố toàn bộ số liệu đó để nhân dân biết chính xác.
“Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu lên nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó có các giải pháp kiểm soát, cắt giảm nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, từ các hoạt động của con người như việc đốt rác thải, rơm rạ;…”, Bộ trưởng cho biết.