Đại học Bách khoa Hà Nội: Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về kỳ tuyển sinh năm 2018, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cho biết, trường chú trọng đào tạo các ngành xã hội cần, đồng thời phát triển các chương trình chất lượng cao để hội nhập quốc tế.

Thưa ông, năm 2018 trong từng ngành đào tạo của trường ĐH Bách khoa Hà Nội có sự điều chỉnh về chỉ tiêu thế nào?
- Năm 2018, tổng chỉ tiêu của trường tương đương năm ngoái, khoảng 6.400 chỉ tiêu. Năm nay, số lượng ngành cũng không thay đổi, nhưng có 2 ngành mới được tách ra đứng độc lập, đó là Cơ khí động lực và Kỹ thuật ô tô - sẽ có sức hút lớn trong tình hình hiện nay. Vừa qua, Thủ tướng có cơ chế đặc thù cho phép đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) để gia tăng số nhân lực, nên ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ nâng chỉ tiêu ngành này.
 Trung tâm nghiên cứu, sản xuất ứng dụng vi mạch điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Năm nay, nhiều trường xét tuyển theo 2, thậm chí 3 phương thức, ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng phương thức nào?

- Chúng tôi vẫn duy trì phương thức xét tuyển sinh như năm 2017 là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, khối A, A1 là cơ bản; Nhưng kèm theo điều kiện quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 cho phép các trường ĐH cử giảng viên về địa phương tham gia công tác coi thi để có kết quả đáng tin cậy. Tất nhiên, nhà trường vẫn thực hiện sơ tuyển theo học bạ tổng điểm 3 môn trong thành phần tổ hợp từ 20 trở lên.

Đã được giao thực hiện tự chủ, mức học phí năm học 2018 – 2019 của trường sẽ tăng lên bao nhiêu, ngành nào học phí sẽ cao, thưa ông?

- Năm học 2017 – 2018, trường quy định mức học phí trần bình quân 16 triệu đồng/năm học và công khai mức đóng 3 năm kế tiếp. Hiện nay, nhà trường đang xây dựng khung học phí cho sinh viên khoá mới năm học 2018 – 2019, bình quân tối đa không quá 18 triệu đồng; năm học 2019 – 2020, không quá 20 triệu đồng. Những ngành xã hội cần nhân lực, ra trường làm việc có thu nhập cao thì người học phải trả mức học phí cao. Đơn cử, ngành CNTT, Điện tử viễn thông, Cơ điện tử. Có thể ngành Nhiệt –lạnh, Công nghệ dệt may, mức học phí sẽ tăng hơn năm học trước bởi từ năm thứ 4 sinh viên đã tìm được việc làm.

Mức học phí cao có làm cản trở cơ hội học ĐH của học sinh nghèo?

- Khi tăng học phí, nhà trường đã tính đến có nguồn quỹ học bổng hỗ trợ học tập. Học bổng này có mức toàn phần 100% và bán phần 50% được xét trao cho những bạn học tốt, nhưng nhà nghèo cần được hỗ trợ đến trường. Học bổng này sẽ được duy trì trong suốt khoá học nếu sinh viên đảm bảo được kết quả học tập theo yêu cầu của trường. Ngoài ra, trường còn có phong trào phụ huynh có điều kiện cưu mang thêm một sinh viên, mỗi cựu sinh viên khá giả hỗ trợ tài chính cho một sinh viên khó khăn.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chương trình đào tạo của trường sẽ có điều chỉnh như thế nào?

- Từ tháng 4/2017, trường đã xây dựng Đề án phát triển chương trình đào tạo giai đoạn 2017 – 2025 phù hợp với tình hình mới. Đề án gần như bao quát hết chương trình đào tạo của trường theo mô hình cử nhân, thạc sĩ. ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện triết lý tạo ra chuẩn đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tuyển dụng, sau đó mới thiết kế chương trình đạt được chuẩn đó. Bên cạnh việc xúc tiến kiểm định quốc tế đạt 100% các chương trình vào năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội đang thực hiện dự án ELITECH bao gồm các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú. Chúng tôi mong muốn các em trở thành những chuyên gia giỏi, nhà quản lý xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại công nghiệp 4.0.

Xin cảm ơn ông!