Đại sứ Thụy Điển và câu chuyện phát triển bền vững của Hà Nội

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp năm mới, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg đã chia sẻ về hướng hợp tác của Thụy Điển với Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Gặp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg vào một ngày cuối năm, tôi đã rất hiếu kỳ. Một nhà ngoại giao có hơn 20 năm trong nghề, vừa tới nhậm chức được hơn 4 tháng, bên cạnh hành trình khám phá mảnh đất Việt Nam và nền văn hóa Việt, ông cũng có những trải nghiệm đậm chất “vỉa hè Hà Nội”. Đi dạo Hồ Gươm, ngồi uống trà đá vỉa hè, thưởng thức bún thang, đó là cách mà ông chọn để hiểu về Thủ đô và câu chuyện mà ông muốn kể còn xa hơn thế.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg
“Phải lòng” đất kinh kỳ
Đại sứ chia sẻ, “tới những nơi mới, tiếp xúc những nền văn hóa mới là niềm đam mê của tôi. Và tuyệt vời hơn nữa khi được làm điều đó ở được Việt Nam, ở Hà Nội để lắng nghe những chuyển động của thành phố này, quốc gia này, với tư cách không chỉ là một nhà ngoại giao mà còn là một người bạn tới từ phương xa”.
Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996, điều Đại sứ Pereric cảm nhận sau 20 năm trở lại mảnh đất này là tinh thần kiên cường của con người Việt Nam sau rất nhiều biến cố lịch sử vẫn trường tồn mạnh mẽ. Và đặc biệt, khi tới với Thủ đô Hà Nội, ông đã thêm hiểu về Việt Nam và “phải lòng” với mảnh đất kinh kỳ.
“Ẩm thực Hà Nội rất đặc biệt, với những món ăn có hương vị tự nhiên, khâu chế biến tiết chế cùng các gia vị độc đáo của Á Đông. Bia hơi Hà Nội cũng rất ngon. Người Hà Nội có phong cách thưởng thức bia khác mọi nơi trên thế giới. Con người nơi đây ấm áp, lạc quan, năng động và luôn phấn đấu không ngừng; trong một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ. Dù mới tới Hà Nội không lâu, nhưng tôi cảm thấy có một sự gắn kết kỳ lạ”, Đại sứ Pereric hào hứng.
Từ Stockholm tới việc phát triển “thông minh” của Hà Nội
Câu chuyện cứ bung tỏa cho đến khi ông Pereric khẳng định, từ những trải nghiệm của bản thân cho tới khi gặp gỡ các lãnh đạo Hà Nội, ông đã hiểu thêm nhiều khía cạnh trong quá trình phát triển của Thủ đô. Với những tiềm năng đáng kể từ cơ sở vật chất, hướng phát triển tới con người, thành phố này đang chuyển động không ngừng, hướng tới vươn tầm một đô thị quốc tế. Nhưng trong quá trình chuyển động phát triển nhanh chóng khó tránh khỏi những “hạt sạn” như các vấn đề môi trường hay giao thông. Điều đó gợi ông nhớ đến Thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
“Stockholm đã từng rất ô nhiễm, đặc biệt ở một số sông, hồ lớn, nhưng sau quá trình cải tạo, nước sạch tới mức có thể uống, cá quay trở lại, thúc đẩy các “hoạt động văn hóa bờ hồ” như câu cá, thậm chí là bơi lội. Cho tới nay, xe bus và các phương tiện công cộng khác ở Stockholm hiện cơ bản chạy bằng rác thải sinh hoạt của chính người dân. 99% rác thải ở Thụy Điển được tận dụng trở thành các sản phẩm mới, nguyên liệu thô và năng lượng. Đổi mới sáng tạo là một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần cho quá trình phát triển của Thụy Điển.
Khi được biết đến những mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Thủ đô trong vòng 5 năm tới, như trồng 1 triệu cây xanh, biến đổi rác thành năng lượng, cải tạo toàn bộ hồ nội đô…, tôi cảm thấy sự tương đồng sâu sắc bởi những vấn đề của Hà Nội, Stockholm đã và đang trải qua. Những công nghệ Thụy Điển đã triển khai hoàn toàn thể áp dụng cho Hà Nội. Thủ đô cần chọn cách phát triển “thông minh” để duy trì những thành tựu phát triển lâu dài”, Đại sứ khẳng định.
Sự phát triển bền vững
Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1969); đồng thời là một trong những nhà viện trợ ODA hàng đầu vào Việt Nam. Với hai bậc thềm vững chãi đó, Đại sứ Peredic khẳng định: “Thụy Điển mong muốn được lắng nghe hơn nữa từ những nhà “cầm cân nảy mực” các quyết sách của Hà Nội, để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp lâu đời với Thủ đô cũng như Việt Nam. Mục tiêu gần của tôi trong thời gian tới là hỗ trợ làm cầu nối cho các DN Thụy Điển hoạt động lâu đời tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA hay mới đây là Volvo… mở rộng hoạt động, cũng như chào đón những DN mới tới đóng góp cho Thủ đô.
Về lâu dài, chúng tôi muốn hợp tác, hỗ trợ Thủ đô hướng tới sự phát triển bền vững, vốn là thế mạnh của Thụy Điển, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội”, Đại sứ Thủy Điển nói.
“Tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết đầu tiên ở Hà Nội. Tôi rất háo hức ngắm nhìn Hà Nội biến chuyển từ một nơi đông đúc, sầm uất trở về với vẻ tịch mịch vốn có. Phố xá thưa thớt người, âm thanh xe cộ, tiếng nói, tiếng cười giảm xuống. Tôi sẽ đi xe đạp vòng quanh Hồ Tây rồi tới khu vực Phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn phố xá im lìm vào một buổi sáng đầu năm trong trẻo”, Đại sứ Pereric Hogberg