Đảm bảo doanh số, ngân viên ngân hàng chật vật "chạy KPI" phát hành thẻ

Túc Mạch
Chia sẻ Zalo

Liên quan đến câu chuyện khách hàng dùng thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ gấp hơn 1.000 lần sau 11 năm khiến dư luận xôn xao, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm thay đổi tư duy “chạy KPI” phát hành thẻ.

Những chiếc thẻ tín dụng mở để "ủng hộ" và bị bỏ quên

Dù đã có tới 2 thẻ tín dụng của các ngân hàng khác nhau, song cách đây không lâu, chị Anh Thư (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn quyết định “ủng hộ” người bạn đang làm nhân viên ngân hàng một chiếc thẻ nữa. “Nói chung việc mở thẻ cũng đơn giản và không mất quá nhiều thời gian. Mình thì chắc là không bao giờ động đến cái thẻ thứ 3 này nhưng bạn mình nhờ làm thì mình cũng giúp bạn” - chị Anh Thư chia sẻ.

Một người sở hữu nhiều thẻ ngân hàng không còn quá xa lạ
Một người sở hữu nhiều thẻ ngân hàng không còn quá xa lạ

Chị Anh Thư chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp được người thân quen “nhờ” mở thẻ. Thậm chí, để tìm kiếm được nhiều khách hàng mở thẻ, các nhân viên ngân hàng còn dùng chiêu “mở thẻ nhận tiền”, đánh vào tâm lý của khách hàng.

Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho biết, thời gian qua, nhiều ngân hàng chạy đua với việc phát hành thẻ. Thậm chí vì chạy theo chỉ tiêu đó mà đi mượn chứng minh thư, thẻ căn cước của người thân, quen để mở thẻ, đảm bảo doanh số mà không quan tâm đến việc những chiếc thẻ này có được sử dụng hay không.

Thực tế, việc mở thẻ ngân hàng trên hệ thống trực tuyến hiện nay cũng vô cùng đơn giản. Theo nhiều ngân hàng, quy trình hoàn tất thủ tục để mở một chiếc thẻ ảo có thể chỉ trong 5 phút. Thủ tục đơn giản, lại tiết kiệm thời gian, bên cạnh sự tiện lợi cho cả ngân hàng và người dùng, thì đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, hiện nay, không phải ai cũng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ cũng như cách thức sử dụng và trách nhiệm của chủ thẻ khi đăng ký, sử dụng. Tuy nhiên, tất cả những thông tin đó sẽ chỉ được tư vấn qua loa hoặc dễ dàng bỏ qua khi cả nhân viên ngân hàng và thậm chí một số người dùng đều có tâm lý “làm cho xong”.

“Đến giờ phút này, cả 3 thẻ ATM, debit và credit đều gắn với các tên nước ngoài, không phải ai cũng phân biệt được. Khi mở thẻ cho khách hàng, các ngân hàng phải giải thích cặn kẽ cho người tiêu dùng hiểu về chi tiết về từng loại thẻ để khách hàng có thể đưa ra lựa chọn phù hợp”, luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu.

Cũng theo luật sư, khách hàng chỉ nên mở tài khoản tín dụng khi cảm thấy cần thiết, không nên mở quá nhiều thẻ sẽ dẫn đến việc khó quản lý chi tiêu. Trước lúc mở thẻ, cần tìm hiểu đầy đủ về quy định các khoản phí phải trả khi sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin để tránh những rủi ro không đáng có về sau.

Ngân hàng thông báo tạm đóng tài khoản thanh toán ở trạng thái không hoạt động

Mới đây, Agribank đã thông báo đến khách hàng về kế hoạch rà soát và đóng các tài khoản thanh toán có số dư thấp hơn số dư tối thiểu (đối với khách hàng cá nhân là 50.000 VND và ngoại tệ là 10 đơn vị tiền tệ; đối với khách hàng tổ chức là 1.000.000 VND và ngoại tệ là 100 đơn vị tiền tệ) và không phát sinh giao dịch trong thời gian 12 tháng, đã bị tạm khóa ở trạng thái tài khoản không hoạt động vượt quá 36 tháng.

“Agribank sẽ tiến hành đóng tài khoản thanh toán cùng các sản phẩm dịch vụ đi kèm tài khoản này (dịch vụ SMS banking; dịch vụ Agribank E-Mobile Banking…) của khách hàng (nếu có) theo quy định sau 30 ngày kể từ ngày thông báo này. 

Định kỳ từ ngày 1/1 đến trước ngày 31/1 hằng năm, Agribank nơi mở tài khoản sẽ thực hiện đối chiếu số dư tài khoản thanh toán của khách hàng tại quầy giao dịch (nếu khách hàng có nhu cầu). Trường hợp khách hàng không đến thực hiện đối chiếu số dư thì được coi là đồng ý với số dư tài khoản thanh toán tại thời điểm ngày 31/12 năm trước liền kề thời điểm đối chiếu của khách hàng tại Agribank”- thông báo của ngân hàng Agribank.