Đảm bảo Quy hoạch Thủ đô được triển khai hiệu quả

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 đang được hoàn thiện những bước cuối để trình các cấp thẩm định và phê duyệt. Sau khi quy hoạch ban hành, để triển khai hiệu quả, các chuyên gia đã có kiến nghị giải pháp liên quan đến thể chế và nguồn lực.

Phân cấp, phân quyền cho Hà Nội theo mô hình bổ trợ

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để triển khai Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Thủ đô), mô hình thể chế đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng.

Theo mô hình trước, cách đây khoảng 30 - 40 năm, tập quyền cho T.Ư rất nhiều thì với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đã phức tạp hơn gấp cả trăm lần. Do đó, nếu không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì không thể nào chính quyền Hà Nội có thể quản trị một nền kinh tế lớn và mối quan hệ xã hội phức tạp, đa dạng như vậy. Hà Nội đang tiến hành xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), có thể coi đây là cơ hội “ngàn năm có một” để cải thiện công tác quản trị, phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô.

Định hướng các trục phát triển chính của Thủ đô.
Định hướng các trục phát triển chính của Thủ đô.

Nhưng vấn đề đặt ra là phân cấp, phân quyền cho Hà Nội như thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng đưa ra kiến nghị, phân cấp phân quyền cho Hà Nội là theo mô hình bổ trợ, tức những lĩnh vực, nội dung mà Hà Nội có thể thực hiện được thì phân quyền cho Thành phố.

Theo mô hình này, Hà Nội sẽ tự giải quyết một loạt nội dung công việc trong thẩm quyền của mình như phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, quy hoạch, cấp giấy phép… mà không phải xin ý kiến các cấp, tránh sự chồng chéo, tốn thời gian. Nhất là, trong Luật Thủ đô phải cho TP Hà Nội quy chế thử nghiệm, có như vậy chính quyền mới có cơ chế để phản ứng nhanh, kịp thời với những vấn đề thay đổi hàng ngày, hàng giờ trong thực tiễn.

Cũng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, việc phân quyền năng hành chính phải đi liền về phân quyền tài chính. Bởi nếu có quyền mà không có tiền thì cũng bằng không. Điều này có nghĩa phải phân quyền cho Hà Nội có những nguồn thu của mình và có nhiều loại thuế mà chỉ có Hà Nội mới có. Ngoài ra, với những nguồn phân bổ từ T.Ư thì phải tăng quyền tự quản của địa phương theo cách chi tiêu như thế nào thuộc về trách nhiệm của chính quyền Hà Nội.

Ngân sách Nhà nước là nguồn vốn “mồi”

Về dự báo nhu cầu vốn đầu tư, trong Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô đã đề cập, theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, căn cứ trên thực tiễn huy động và sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như tính khả thi về huy động vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ 2021 - 2030, để hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch ước cần 11,5 - 13,6 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 3,1 - 4 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 8 - 9 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, thực tế chắc chắn sẽ có thay đổi, thậm sẽ cần lớn hơn chứ không chỉ dừng lại ở con số đó.

Trước câu hỏi vậy nguồn lực để hiện thực hoá Quy hoạch lấy từ đâu? Vị chuyên gia cho rằng, thứ nhất, nguồn lực có thể bố trí, sắp xếp và tính toán được rõ ràng là từ ngân sách Nhà nước. Nguồn lực này chắc chắn sẽ phải điều chỉnh liên quan đến tỷ lệ để lại cho Hà Nội có thể theo hướng tăng lên chứ không phải dừng ở mức như hiện nay.

Thứ hai, để thực hiện quy hoạch này cần xác định nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ là nguồn vốn “mồi”. Gần như có thể khẳng định đến 70 - 80 % nguồn lực thực thi quy hoạch sẽ phải trông chờ vào nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước gồm cả nguồn lực trong nước và nước ngoài. Và để huy động được đa dạng các nguồn lực, Hà Nội cần phải có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, quan tâm đến lợi ích của các nhà đầu tư gắn với các vấn đề quy hoạch, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Cùng đó, có cơ chế đặc thù trong việc phối hợp nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện quy hoạch.

Điểm thứ ba rất quan trọng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục có những sáng tạo trong việc tạo ra các thể chế tài chính. Ví dụ như xây dựng quỹ phát triển đô thị, dựa vào đó có công cụ tài chính để có thể huy động, phối hợp và phát huy nguồn lực đất đai. Ngoài ra, có một vấn đề mà Hà Nội sẽ phải xử lý, đó là cơ cấu lại thu, chi ngân sách để vừa tạo nguồn lực vừa đồng thời phân phối những lĩnh vực mà ngân sách có thể sẽ giảm bớt gánh nặng, dành cho các khu vực khác.

“Tóm lại, thể chế và chính sách phát huy vai trò nguồn vốn tài chính, đất đai thực hiện quy hoạch Thủ đô cần đảm bảo quyền tự chủ cao nhất cho HĐND và UBND TP Hà Nội trong quyết định khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính trong và ngoài ngân sách Nhà nước trên cơ sở tăng mạnh cả quy mô ngân sách địa phương, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư, thu ngân sách địa phương đô thị đặc thù và vay nợ của ngân sách địa phương ít nhất suốt giai đoạn 2025 – 2035” – TS Vũ Đình Ánh nêu.