Đan Phượng: Để học sinh hào hứng với môn Lịch sử

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuốn tập bài giảng "Lịch sử huyện Đan Phượng" được phát hành năm 2021 và đưa vào chương trình giảng dạy của các nhà trường trên địa bàn huyện Đan Phượng đã giúp cho học sinh thêm hiểu biết, tự hào về truyền thống quê hương.

Sân khấu hóa bài học Lịch sử

Tiết học Lịch sử với bài số 3 “Các anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ bảo vệ biên giới phía Bắc” mới đây, là giờ học khá đặc biệt của thầy giáo Nguyễn Gia Hùng cùng các em học sinh lớp 8 Trường THCS Liên Trung, huyện Đan Phượng.

Bài học Lịch sử được sân khấu hóa của thầy giáo Nguyễn Gia Hùng và các em học sinh Trường THCS Liên Trung, huyện Đan Phượng.
Bài học Lịch sử được sân khấu hóa của thầy giáo Nguyễn Gia Hùng và các em học sinh Trường THCS Liên Trung, huyện Đan Phượng.

Nói đặc biệt là bởi, thầy giáo Nguyễn Gia Hùng đã giới thiệu đến các em học sinh những tấm gương chiến sĩ cách mạng kiên cường của vùng đất quê hương người gái đảm. Đó là “9 chiến sĩ đập Phùng – những người con tiêu biểu của quê hương trong kháng chiến chống Mỹ và liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên – Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân”.

Không những vậy, các em học sinh còn được trải nghiệm hóa thân vào vai chiến sĩ bộ đội với bộ quân phục màu xanh, mũ tai bèo, cầm súng chiến đấu với giặc, bảo vệ quê hương. Thông qua nhiều phương pháp giảng dạy như thảo luận nhóm, sân khấu hóa, cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, thầy giáo Nguyễn Gia Hùng đã đưa bài học Lịch sử vốn dĩ khô khan trở nên sinh động và dễ nhớ, dễ hiểu, được các em học sinh hào hứng tìm hiểu.

Theo lãnh đạo Trường THCS Liên Trung, những năm qua, nhà trường luôn quan tâm, chú trọng giáo dục truyền thống, tư tưởng chính trị, giảng dạy lồng ghép lịch sử địa phương và cuốn tập bài giảng “Lịch sử huyện Đan Phượng” với các hoạt động. Riêng tập bài giảng “Lịch sử huyện Đan Phượng” được dạy 2 tiết/lớp/năm học.

Cô trò cùng thảo luận về danh nhân Đan Phượng.
Cô trò cùng thảo luận về danh nhân Đan Phượng.

Thông qua đó, thổi ngọn lửa yêu nước và tăng thêm hiểu biết về truyền thống cách mạng của quê hương Đan Phượng nói chung, xã Liên Trung nói riêng cho các em học sinh.

Tại Trường Tiểu học Đan Phượng, tập bài giảng “Lịch sử huyện Đan Phượng” cũng được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh khối lớp 4 và lớp 5. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng Nguyễn Thị Oanh cho biết, các bài giảng của cuốn sách tập bài giảng “Lịch sử huyện Đan Phượng” rất hữu ích, cung cấp thêm hiểu biết cho học sinh về danh nhân và sự kiện lịch sử của huyện.

Đồng thời giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào về quê hương giàu truyền thống cách mạng. “Các tiết học này được giáo viên, học sinh rất hào hứng đón nhận” – cô Nguyễn Thị Oanh cho biết.

Không chỉ dạy kiến thức trong sách vở, Trường Tiểu học Đan Phượng còn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử của địa phương như đền Văn Hiến tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Đây là nơi thờ chính hai vị đại hiền của làng Hạ Mỗ là Thái úy Tô Hiến Thành và quan nghề Đỗ Trí Trung.

Qua buổi ngoại khóa đã giúp cho học sinh ôn lại kiến thức môn Lịch sử một cách thực tế và sinh động. Từ đó tiếp nối những truyền thống vẻ vang của cha ông và phấn đấu học tập, rèn luyện để  luôn là con ngoan, trò giỏi.

Để học sinh thêm yêu đất và người Đan Phượng

Nhằm tuyên truyền và phát huy giá trị lịch sử truyền thống địa phương, từ năm 2019, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng đã tham mưu cho Huyện ủy biên soạn tập bài giảng “Lịch sử huyện Đan Phượng”. Đến năm 2021, cuốn tập bài giảng "Lịch sử huyện Đan Phượng" chính thức được phát hành và đưa vào chương trình giảng dạy của các nhà trường.

Đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng và Phòng GD&ĐT huyện dự giờ giáo dục lịch sử địa phương tại Trường THCS Liên Trung.
Đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng và Phòng GD&ĐT huyện dự giờ giáo dục lịch sử địa phương tại Trường THCS Liên Trung.

Trong đó, các bài giảng sẽ giới thiệu cho học sinh tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Đan Phượng nắm được những kiến thức cơ bản về truyền thống lịch sử của huyện, danh nhân, di tích lịch sử - văn hóa, những sự kiện, các mốc lịch quan trọng của địa phương…

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, về văn hóa, mảnh đất, con người Đan Phượng. Từ đó nâng cao niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc rèn đức, luyện tài, góp phần xây dựng quê hương Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, xứng danh với truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong đấu tranh cách mạng và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Tập bài giảng "Lịch sử huyện Đan Phượng" được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn huyện từ năm 2021.
Tập bài giảng "Lịch sử huyện Đan Phượng" được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn huyện từ năm 2021.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng cho biết, yêu cầu đặt ra là việc giáo dục lịch sử địa phương phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nội dung kiến thức với thực tiễn, giữa học trên lớp với hoạt động ngoại khoá và rút ra các bài học kinh nghiệm để vận dụng vào tình hình thực tiễn.

Thời gian qua, các trường học đã nhanh chóng triển khai, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gần gũi với học sinh như bài giảng trên lớp, thi kể chuyện lịch sử, thi tiểu phẩm về lịch sử, tổ chức cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, thảo luận nhóm về các danh nhân của huyện Đan Phượng… Qua đó thu hút đông đảo học sinh tìm hiểu lịch sử truyền thống địa phương.

Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, mang đến trải nghiệm thú vị cho học sinh. Đơn cử như cô Phạm Thị Hồng Hạ - Trường THCS Lương Thế Vinh đã đi đến khắp các địa danh văn hóa lịch sử trên địa bàn như đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành (xã Hạ Mỗ), tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang (thị trấn Phùng), hát chèo Tàu (xã Tân Hội), làng diều Bá Giang (xã Hồng Hà)… để quay video clip rồi về giới thiệu cho học sinh. “Qua đó, tôi muốn các em có thêm kiến thức về văn hóa lịch sử địa phương và thêm tự hào về vùng đất Đan Phượng” – cô Phạm Thị Hồng Hạ tâm sự.

Học sinh tham gia tìm hiểu lịch sử địa phương dưới hình thức cuộc thi "Theo dòng lịch sử".
Học sinh tham gia tìm hiểu lịch sử địa phương dưới hình thức cuộc thi "Theo dòng lịch sử".

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền cho biết, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng GD&ĐT huyện vừa tổ chức đoàn kiểm tra công tác giáo dục truyền thống và giảng dạy lịch sử địa phương trên địa bàn. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị thực hiện tốt nội dung này.

“Việc đưa cuốn tập bài giảng "Lịch sử huyện Đan Phượng" vào trong chương trình các cấp học đã giúp học sinh trên toàn huyện thêm yêu lịch sử địa phương, có ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị lịch sử truyền thống của huyện” – bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Đến nay, huyện Đan Phượng có 54/55 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 98,2%), trong đó có đến 33 trường (60%) được công nhận đạt đẹp chuẩn quốc gia mức độ 2, là huyện dẫn đầu TP trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học, ngành giáo dục huyện chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân với xã hội.

“Cùng với bài giảng lịch sử địa phương, huyện cũng quan tâm đưa các đặc sản của huyện như nem Phùng, bưởi Diễn, rau an toàn… vào trưng bày, giới thiệu trong nhà trường để học sinh biết và tự hào về quê hương” - bà Bùi Thị Thu Hằng nhấn mạnh.