Dần sáng tỏ số liệu thực về đại dịch Covid-19 của Trung Quốc?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa những cáo buộc hiện nay rằng Trung Quốc đã báo cáo không đúng về dữ liệu virus của mình, nước này đang bắt đầu một chương trình để có thể nắm bắt được quy mô thực sự về sự bùng phát của quốc gia.

Một lao động được lấy máu thử nghiệm kháng thể Covid-19 tại Hắc Long Giang, Trung Quốc hôm 16/4. 

Từ Trung Quốc đến thế giới

Tiger Ye, một cư dân Vũ Hán, được xác định dương tính với Covid-19 vào tháng 1. Cuối tháng đó, mẹ và bà của anh đều bị sốt, nhưng vì các bệnh viện của TP đều quá tải, họ đã chọn cách ở nhà chờ đợi.

Khi dịch bệnh của Trung Quốc đã trong tầm kiểm soát, 2 người này được làm xét nghiệm máu và xác nhận rằng họ thực sự đã nhiễm Covid-19 và giờ đã khỏi. Tuy nhiên, mẹ và bà của Tiger Ye chưa bao giờ được tính vào số liệu kiểm đếm chính thức của đất nước, với hơn 82.000 người nhiễm bệnh và gần 5.000 người chết.

Những trường hợp như vậy chắc hẳn không phải hy hữu, và giữa những cáo buộc hiện nay rằng Trung Quốc đã báo cáo không đúng về dữ liệu virus của mình, nước này đang bắt đầu một chương trình để có thể nắm bắt được quy mô thực sự về sự bùng phát của quốc gia.

Nỗ lực này được gọi là cuộc khảo sát huyết thanh học, khi các nhà nghiên cứu sẽ lấy mẫu máu từ một nhóm người mang tính đại diện, để xem liệu họ đã tạo ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2 hay không - một dấu hiệu chứng tỏ họ từng bị nhiễm bệnh.

Từ đó, các nhà khoa học có thể tính toán mức độ lây lan của mầm bệnh trong dân số rộng hơn. Những nghiên cứu như vậy cũng có thể làm sáng tỏ cách thức virus lây truyền giữa mọi người, bao gồm cả những nhóm đang được cho là ít bị ảnh hưởng, như trẻ em.

Trung Quốc cũng từng thực hiện khảo sát huyết thanh học sau dịch SARS - khiến 8.000 người mắc bệnh và gần 800 người tử vong, chủ yếu tại châu Á. Năm 2003, nghiên cứu đã diễn ra ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, nơi đầu tiên bùng phát dịch của Trung Quốc, với 130 người dương tính được xác nhận, 119 người tiếp xúc gần gũi và 100 người khỏe mạnh.

Tuần này đánh dấu những thay đổi đầu tiên trong số liệu công bố chính thức về dịch bệnh của Trung Quốc, với 1.200 ca tử vong được bổ sung vào con số trước đó được báo cáo tại Vũ Hán. Lý do được đưa ra là bởi số lượng người chết tại nhà và báo cáo chậm trễ của các bệnh viện trong thời điểm quá tải, như nhằm ủng hộ cho khẳng định của Bắc Kinh về việc không cố che giấu mức độ bùng phát dịch, như những cáo buộc từ các quan chức tình báo Mỹ.

Hôm 17/4, các chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý rằng nhiều quốc gia trên thế giới cũng sẽ phải thực hiện việc kiểm đếm lại, tương tự như Trung Quốc. Và một khi các khảo sát huyết thanh học thành công được áp dụng rộng rãi, con số 2,1 triệu người nhiễm trên toàn cầu dự báo sẽ biến động lớn.

Thách thức về độ chính xác

Mặc dù khẩn cấp, các cuộc điều tra huyết thanh học vẫn còn vướng mắc nhiều vấn đề trong độ chính xác, đặc biệt là khi thực hiện trong các quần thể rộng lớn như Trung Quốc. Jeffery Gilbert, nhà dịch tễ học thuộc nhóm quản lý sự cố Covid-19 của WHO, lưu ý, một yếu tố quan trọng là liệu mẫu người được chọn có đại diện tốt nhất cho dân số hay không?

Theo ông Gilbert, với mật độ dân số không đồng đều, nếu không thực hiện lượng thử nghiệm khổng lồ trên cả nước, rất khó có được một bức tranh đầy đủ về đại dịch ở Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết hiện đang thử nghiệm huyết thanh 11.000 người tại Vũ Hán, nhưng không cho biết con số tại các địa phương khác.

Một thách thức nữa nằm ở xét nghiệm kháng thể được sử dụng tại Trung Quốc. Các công ty công nghệ sinh học phương Tây từng chỉ ra nhiều kit thử không chính xác từ các lô hàng được gửi đến các quốc gia này.

David Heymann - GS dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường vệ sinh London, nói rằng bộ thử nghiệm cần phải đặc biệt nhạy bén, nghĩa là chỉ phải xác định SARS-CoV-2, mà không phản ứng với các kháng thể từ các chủng virus corona khác, bởi "máu của một người bình thường cũng có thể có kháng thể đối với các loại virus cúm thông thường như cúm".

Điểm này từng được Hàn Quốc lưu ý xử lý, khi CDC nước này khẳng định rằng họ đang kiểm tra xem một số kháng thể nhất định chỉ phản ứng với virus corona mới chứ không phải các loại khác.

Hiện tại, một yếu tố quan trọng khác dẫn đến sự sai lệch về số liệu là sự tồn tại của số lượng lớn các bệnh nhân không triệu chứng, rất khó để phát hiện bởi chính họ cũng không biết mình đang bị bệnh. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo chính thức về số liệu người nhiễm không triệu chứng kể từ đầu tháng này.