Đảng không ngừng đổi mới

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại chặng đường lịch sử phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Sự lãnh đạo ấy được thể hiện trên cương lĩnh, đường lối đúng đắn của Đảng từ năm 1930 tới nay, dẫn dắt cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác để có thành quả ngày hôm nay.

 Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI. Ảnh: Trí Dũng

Không ngại nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa

Nhìn lại chặng đường 90 năm qua của Đảng, có 3 thắng lợi vĩ đại đã được lịch sử dân tộc và bạn bè thế giới công nhận, đó là: Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc cách mạng chấm dứt chế độ phong kiến, thuộc địa ở nước ta và mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc. Thắng lợi vĩ đại thứ hai đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta đã chiến thắng những thế lực đế quốc mạnh nhất của thế kỷ XX, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn non sông, đất nước. Thắng lợi thứ ba chính là thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 tới nay.

Đi sâu vào thắng lợi thứ ba này, trước hết phải nhắc lại, khi cả nước bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN), cùng với những thuận lợi, đất nước ta cũng khó khăn rất nặng nề. Hoàn cảnh khắc nghiệt thời điểm đó cộng với sai lầm, khuyết điểm trong cơ chế, chính sách kinh tế dẫn đến cải tạo XHCN ở miền Nam kém hiệu quả.

Trên thực tế, năm 1979, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội. Việc tìm cách thức, cơ chế quản lý có hiệu quả trở thành yêu cầu bức thiết. Ở một số địa phương và nhà máy, xí nghiệp đã xuất hiện cách làm mới. Nắm bắt thực tiễn đó, Hội nghị T.Ư 6 khóa IV (tháng 8/1979) đã chủ trương khuyến khích mọi người lao động, các thành phần kinh tế phát huy sáng kiến, năng lực sản xuất, tận dụng tư liệu sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất, làm cho sản xuất bung ra, điều chỉnh các giải pháp quản lý thị trường, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Đó là bước đột phá đầu tiên của quá trình tìm đường đổi mới.

Đến Hội nghị T.Ư 6 và 7 khóa V diễn ra trong năm 1984 đã thảo luận và tranh luận nhiều vấn đề mới về kinh tế, xã hội vẫn xoay quanh chính sách và cơ chế quản lý. Đồng chí Trường Chinh đã phát biểu để làm rõ nhận thức. Đến Hội nghị T.Ư 8 (tháng 6/1985) đã quyết định xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quản liêu, hành chính bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN, lấy giá- lương- tiền làm khâu đột phá. Đó là khâu đột phá thứ hai rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Tuy nhiên, cuộc tổng điều chỉnh giá – lương – tiền tháng 9/1985 lại phạm sai lầm khi sử dụng biện pháp hành chính để chuyển đổi cơ chế quản lý mà lẽ ra phải bằng biện pháp kinh tế. Hội nghị T.Ư 10 (năm 1986) đã quyết định sửa chữa sai lầm. Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, ngày 14/7, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Kết luận của Bộ Chính trị tháng 8/1986 là bước đột phá thứ ba với những quyết định mới để trực tiếp hoàn tất Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) là sự kiện lịch sử đặc biệt quyết định đường lối đổi mới toàn diện mà nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới chính sách kinh tế, dứt khoát xóa bỏ cơ chế cũ, thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, coi đó là đặc trưng của suốt thời kỳ quá độ. Gắn liền với đổi mới kinh tế là đổi mới chính sách xã hội, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, đổi mới chính sách đối ngoại, chú trọng mở rộng quan hệ với các nước không phải khối XHCN, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn đã từng đối đầu, tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đại hội VI đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư.

Văn kiện Đại hội VI kết tinh trí tuệ của Đảng, đường lối đổi mới được hoạch định trên những cơ sở quan trọng. Trong đó có việc tổng kết và khảo nghiệm thực tiễn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, nêu rõ “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Kiên quyết khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội… Với tinh thần đó, các mô hình và cách thức mới mang lại hiệu quả được khẳng định; các mặt yếu kém không phù hợp được khắc phục. Khắc phục bệnh quan liêu, xa rời thực tế, đổi mới phong cách làm việc.

Cùng với đó, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, chính nguyện vọng, ý kiến, sáng kiến của Nhân dân là nguồn gốc của đường lối đổi mới. Đảng nhấn mạnh bài học “lấy dân làm gốc” là với ý nghĩa đó. Đổi mới trở thành vấn đề sống còn, yêu cầu bức thiết của cuộc sống như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh.

Không ngừng đổi mới

Sau Đại hội VI, Đảng không ngừng phát triển đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH tại Đại hội VII (tháng 6/1991) và từ thực tiễn đổi mới, Cương lĩnh được bổ sung, phát triển tại Đại hội XI (tháng 1/2011). Cương lĩnh được cụ thể hóa, thể chế hóa trong từng lĩnh vực, từng bước đi của công cuộc đối mới và mọi vấn đề đổi mới đều tuân thủ định hướng XHCN.

Lãnh đạo sự nghiệp đổi mới là lâu dài của tiến trình cách mạng. Đổi mới là quá trình cách mạng không ngừng để đi đến cái tốt tươi, loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc. Với những nguyên tắc lớn lao của công cuộc đổi mới, T,Ư Đảng cũng sớm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong lĩnh đạo, trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn. Trong đó nhấn mạnh đổi mới không phải là xa rời mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu đó được thực hiện tốt, có hiệu quả bằng những hình thức, bước đi và giải pháp phù hợp…

Lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, như đổi mới triệt để cơ chế quản lý và cách chính sách kinh tế; thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, văn hóa vì cuộc sống của Nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đặc biệt, Đảng cầm quyền không ngừng được xây dựng, chỉnh đốn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng Cương lĩnh, đường lối, bằng nguyên tắc tổ chức và hoạt động thực tiễn, bằng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng hoạt động trong Nhà nước và cả hệ thống chính trị, bằng công tác vận động, tổ chức quần chúng Nhân dân, bằng công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm nêu gương. Đảng không ngừng nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, đạo đức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, củng cố vị trí cầm quyền, chống nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, tham nhũng và suy thoái của cán bộ, đảng viên…

Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đời sống của Nhân dân được tăng cao. Những thắng lợi trong suốt 90 năm qua như những nấc thang của sự phát triển đất nước, thắng lợi trước tạo tiền đề thúc đẩy cho sự thắng lợi sau, thắng lợi sau củng cố nền tảng vững chắc cho các cuộc thắng lợi trước.

Tổng thể như Hội nghị T.Ư 4, khóa XII đã khẳng định: “Chưa bao giờ ta có được cơ đồ và vị thế như ngày hôm nay”. Cơ đồ ở đây chính là thành quả cách mạng, đất nước độc lập, đời sống Nhân dân cũng thay đổi, vị thế của đất nước trong quan hệ quốc tế được tăng cao. Nhưng đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý, thành tựu to lớn nhưng không được chủ quan “ngủ quên trên trong nguyệt quế”, luôn cần nhận rõ những nguy cơ mà Đảng đã nêu ra vẫn đang tồn tại để giải quyết và tiếp tục đổi mới.