Đằng sau vụ tàu cứu người bị chính nạn nhân cướp quyền điều khiển

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự cố hy hữu diễn ra hôm 28/3 trên Địa Trung Hải, khi một tàu chở dầu của Thổ Nhĩ Kỳ quyết định giải cứu nhóm người di cư gặp nạn.

Tàu chở dầu Elhiblu 1 cập cảng Senglea ở Grand Harbor, Malta, hôm 28/3. 
Một đội cơ động của lực lượng vũ trang Malta hôm nay (28/3) đã kịp thời có mặt trên một chiếc tàu chở dầu bị chiếm bởi chính những người di cư mà nó đã giải cứu trên Địa Trung Hải và dành lại quyền kiểm soát cho thuyền trưởng. Tàu chở dầu hiện đã được hộ tống đến một cảng của Malta, nơi những người di cư cũng sẽ được bàn giao cho cảnh sát điều tra.
Theo các nhà chức trách ở Italia và Malta, 120 người di cư đã cướp tàu chở dầu Thổ Nhĩ Kỳ El Hiblu 1 sau khi được cứu và buộc thủy thủ đoàn phải đưa tàu rời khỏi Libya để hướng về phía Bắc châu Âu. Con tàu đã trên đường tiến tới hòn đảo cực nam của Italia, Lampedusa, và đảo Malta trước khi bị lực lượng an ninh biển Malta chặn lại.
Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Salvini mô tả những gì đã xảy ra như là "hành động cướp biển đầu tiên của những người di cư Hồi giáo". Tuy nhiên, một thực tế là cả Italia và Malta đều là các quốc gia từ chối mở cảng với các tàu nhân đạo giải cứu người di cư trên biển.
Theo các tổ chức nhân đạo, những người di cư luôn bị ngược đãi và thậm chí bị tra tấn thậm tệ khi trở về Libya, khiến nhiều tổ chức nhân quyền ra sức phản đối nghi thức trao trả vô điều kiện những người được giải cứu ngoài khơi cho quốc gia này. Sự bế tắc càng nghiêm trọng, khi các chính phủ châu Âu đang đùn đẩy và mặc cả với nhau về việc tiếp nhận người di cư, tị nạn.
Những người di cư được giải cứu ngoài khơi Syracuse đang ngồi trên một chiếc tàu gắn cờ Hà Lan hôm 30/1. 
Stewea - nhóm tư nhân điều hành một tàu cứu hộ và theo dõi cách thức các chính phủ đối xử với người di cư - đã kêu gọi lòng từ bi đối với nhóm người trên con tàu bị tấn công hôm 28/3. Họ hy vọng các quốc gia châu Âu sẽ hành động vì quyền cơ bản của con người, đồng thời nhấn mạnh rằng "chúng ta đang đối mặt với những người phải trốn chạy khỏi địa ngục".
Di cư ồ ạt sang châu Âu đã tăng mạnh kể từ năm 2015, khi lục địa này tiếp nhận 1 triệu người tị nạn và người di cư từ các quốc gia ở Trung Đông và châu Phi. Sự gia tăng đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong đó những con người đang ở đường cùng thường xuyên bị chết đuối trên biển hay trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Trong khi các điểm đến hàng đầu như Italia hay Hy Lạp đều đã "quá tải" người xin tị nạn.
Theo AP, ngoài hành trình trên biển nguy hiểm, những người phó mặc số phận trên Địa Trung Hải nhiều khả năng sẽ bị lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya chặn lại và giam giữ tại các trung tâm trong nước - nơi mà các nhóm nhân quyền đã mô tả là thường xuyên lạm dụng người di cư bằng hình thức bóc lột, cưỡng hiếp...