Đánh giá đầy đủ hơn bài học kinh nghiệm từ sự tăng trưởng

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/5, trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế nhất trí với các kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ đã nêu và cũngđề nghị làm rõ thêm một số vấn đề.

Ngân sách T.Ư chưa phát huy được vai trò chủ đạo
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2017, đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy có thêm một số chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề nhw: Các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô GDP còn thấp, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm, dừng ở khâu gia công; kết quả cổ phần hóa DNNN chưa đạt mục tiêu. Tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gia tăng. “Cần tiếp tục đánh giá đầy đủ về bài học, kinh nghiệm từ kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa thay đổi lớn, căn bản; phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần người dân từ kết quả tăng trưởng cao”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Ngân sách trung ương hụt thu, chưa phát huy được vai trò chủ đạo; tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương. Thu từ cả 3 khối doanh nghiệp đạt thấp; số tăng thu không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh. Đề nghị đánh giá sâu hơn về tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 khi ngân sách trung ương và thuế từ sản xuất, kinh doanh không đạt kế hoạch, tăng thu NSNN thiếu bền vững; báo cáo rõ nguyên nhân, giải pháp nâng cao hiệu quả thu NSNN, giảm nợ đọng thuế, tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm; số chuyển nguồn NSNN khá lớn, kéo dài; chậm triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; kiểm soát chi NSNN chưa hiệu quả, đề nghị làm rõ trách nhiệm về các vấn đề này.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp. Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, việc thu hút doanh nghiệp lớn chưa đem lại nhiều hiệu ứng lan tỏa.
Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự. Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh: ỦY ban Kinh tế đề nghị báo cáo thêm về kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này.
Tăng trưởng cao là kỳ vọng nhưng cũng tạo áp lực cho thời gian tới
Về tình hình triển khai trong các tháng đầu năm 2018, thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí với các kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ đã nêu. Đồng thời nhận định: Kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP đem lại kỳ vọng lớn nhưng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước. Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước. Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Chưa gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế.
Cùng với đó, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt thấp; một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, chậm hoàn thành thủ tục trình Quốc hội chủ trương đầu tư đối với một số dự án ODA. “Đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ yếu để không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.
Việc cơ cấu lại NSNN và nợ công, Ủy ban Kinh tế chỉ ra: Vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn khó khăn, bất cập. Tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán. Tình trạng sử dụng tiền ảo diễn biến phức tạp. Một số quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí vi phạm pháp luật, đã và đang được từng bước xử lý bảo đảm an toàn hệ thống.     
Quá trình cơ cấu lại các DNNN chưa bảo đảm tiến độ. Một số vụ việc về định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai… thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp. Cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm được hoàn thiện. Chi phí vận tải thuê ngoài chiếm tỷ trọng lớn so với chi phí doanh nghiệp, tỷ lệ chi phí logistic trên GDP cao, giao thông phụ thuộc nhiều vào đường bộ, các vướng mắc đối với dự án BOT chưa được giải quyết căn bản, tạo dư luận không tốt.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng” lên, nhất là các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được trình Quốc hội. Một số loại hình sản phẩm mới (căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…) chưa được quy định chặt chẽ.
Vấn đề bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, y bác sỹ, thái độ của giáo viên với học sinh; hiệu quả tuyển sinh đại học, chế độ cho giáo viên; việc công nhận các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, gây bức xúc trong dư luận.
Tình hình bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập. Nhiều vụ cháy nổ xảy ra với thiệt hại lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng, một trong các nguyên nhân chính là chưa chú trọng, thiếu chủ động trong kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng, việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa được thực hiện nghiêm theo quy định.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa; kết quả triển khai tận dụng các lợi thế, giải pháp vượt qua khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế”- thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ, chính sách phù hợp cho khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ và thực phẩm hợp lý, kết hợp với điều hành chính sách khác bảo đảm thực hiện mục tiêu lạm phát. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm. Xây dựng đồng bộ Chính phủ điện tử. Sớm khắc phục tình trạng có sự khác biệt giữa các cấp chính quyền về cả nhận thức và hành động trong cải cách hành chính; siết chặt kỷ cương và tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan trong thi hành công vụ. Tập trung cơ cấu lại, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, quyết liệt tăng cường kỷ luật NSNN, nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất các loại thuế mới…