Quảng Ngãi:

Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi được rà soát chặt chẽ qua các khâu, không có tình trạng chạy theo thành tích để công nhận tràn lan.

Sáng 14/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023.

Đợt này, Quảng Ngãi có 14 sản phẩm được đánh giá, phân hạng.
Đợt này, Quảng Ngãi có 14 sản phẩm được đánh giá, phân hạng.

Đợt này, có 14 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng thuộc các ngành hàng như thực phẩm, mỹ nghệ, may mặc... của 11 chủ thể, gồm: 8 công ty, 1 hợp tác xã, 2 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh.

Về địa phương, có 7 đơn vị gồm: TP Quảng Ngãi (1 sản phẩm), huyện Mộ Đức (1 sản phẩm), thị xã Đức Phổ (1 sản phẩm), huyện Lý Sơn (2 sản phẩm), huyện Trà Bồng (4 sản phẩm), huyện Ba Tơ (2 sản phẩm), huyện Bình Sơn (3 sản phẩm).

Trong số 14 sản phẩm có một số mới, một số đã được công nhận 3, 4 sao được đánh giá lại hoặc nâng hạng. Kết quả, có 10 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. Sau đánh giá, hội đồng sẽ trình UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định công nhận.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của địa phương được rà soát chặt chẽ qua các khâu, không có tình trạng chạy theo thành tích để công nhận tràn lan. Sản phẩm khi đã công nhận đạt chuẩn OCOP thì phải thật sự giá trị, xứng đáng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Đến nay, chương trình đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: là một chương trình mới, cán bộ quản lý OCOP các cấp chủ yếu kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc, nên hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền cấp xã trong việc triển khai chương trình này còn chưa thể hiện rõ; quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình chưa đáp ứng; nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa đa dạng, phong phú; sản phẩm chế biến, chế biến sâu chưa nhiều...

Do đó, trong thời gian tới, các sở, ngành có liên quan và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ chương trình OCOP gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành.

Các sản phẩm OCOP được bày bán tại phiên chợ Thanh niên của Quảng Ngãi.
Các sản phẩm OCOP được bày bán tại phiên chợ Thanh niên của Quảng Ngãi.

Đồng thời, triển khai lồng ghép các hoạt động hỗ trợ tổ chức thực hiện chương trình OCOP góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 166 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 9 sản phẩm OCOP 4 sao và 157 sản phẩm OCOP 3 sao.