Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Đánh giá tác động, đảm bảo lợi ích của người dân trong thi hành Luật Giá

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu giải trình liên quan Dự án Luật Giá (sửa đổi) diễn ra sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục nghiên cứu các quy định trong luật, đánh giá tác động đầy đủ để đảm bảo lợi ích của người dân và các bên liên quan…

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Giá (sửa đổi) với 115 lượt ý kiến phát biểu. Cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉnh lý bổ sung dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc dự thảo Luật đã đạt được những mục tiêu, định hướng, chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi Luật hay chưa, hồ sơ dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua hay chưa. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, và một số vấn đề lớn như nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trường hợp, biện pháp bình ổn giá, phương pháp, thẩm quyền định giá, trách nhiệm, vai trò của tổ chức, cá nhân trong việc định giá…

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được chỉnh lý công phu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, chỉnh lý công phu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu nêu.

Về những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thẩm quyền quyết định danh mục bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung cụm từ “biến động lớn” trong quy định về tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (khoản 1 Điều 17) trong trường hợp giá có biến động tác động đến đời sống của người dân.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu và cơ quan thẩm tra đề nghị nên giữ như quy định của luật hiện hành. Danh mục này tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp, nhưng để có sự linh động hơn, trên cơ sở kế thừa luật hiện hành đề nghị nghiên cứu trường hợp trong thời gian Quốc hội không họp, có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thay đổi quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Sửa đổi theo hướng này cũng nhằm chia sẻ trách nhiệm cho Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, chỉnh lý công phu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu nêu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, chỉnh lý công phu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu nêu

Cho ý kiến về Quỹ bình ổn giá (Điều 20), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu đổi tên theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá. Bởi trong thực tế việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Trong thực tế cũng có những tình huống rất bất ngờ, rất đặc biệt, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp, khi đó Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt…

Cơ bản đồng tình với nguyên tắc định giá, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguyên tắc định giá nên tách ra thành hai khoản. Đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá quy định phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương phát triển từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ. Đối với những hàng hóa, dịch vụ khác không quy định tại Điều 21, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản, hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí có lãi, đảm bảo quy luật cung cầu cạnh tranh của thị trường.

Về kê khai giá tại Điều 29 của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong lần sửa đổi này nên có 2 quy định ràng buộc là việc kê khai nhưng phải tự chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của thông tin kê khai theo quy định pháp luật và cơ quan Nhà nước có quyền cập nhật thông tin kê khai và hậu kiểm, quy định như vậy sẽ chặt chẽ hơn.

Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý về niêm yết giá quy định tại Điều 30, cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp và có tính khả thi. Giá tham chiếu tại Điều 31 cũng được quy định khá chặt chẽ, nhưng nên tách thành hai loại giá tham chiếu: Giá tham chiếu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố để cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách; Giá tham chiếu để tổ chức, cá nhân tham khảo trong quá trình xây dựng phương án giá để quy định giá tài sản, dịch vụ và tự chịu trách nhiệm về quyết định giá của mình. Về thẩm định giá, dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung khá chặt chẽ, đề nghị rà soát lại tính phù hợp với Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang có hiệu lực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng góp ý cụ thể về đăng ký hành nghề thẩm định giá tại Điều 36; các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7; quyền, nghĩa vụ tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…

Làm rõ cơ chế thỏa thuận thù lao cho đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá

Bày tỏ nhất trí về nhiều nội dung trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thẩm định, quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, hiện nay có 2 phương án. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ tán thành với việc giữ quy định như tại Luật hiện hành, vì giá là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến sự ổn định của thị trường, quyền lợi của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Về Quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần quy định theo phương án 1, giữ các quy định đang sẵn có tại luật hiện hành. Cụ thể, Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, dự thảo luật đang quy định đưa ra khỏi danh mục một số danh mục, dịch vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có sự rà soát kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bộ, ngành quản lý các mặt hàng này. Chẳng hạn, cần cân nhắc trong quy định về Nhà nước định giá nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, để đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở cũng đang được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện đúng những chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, cần đầu tư, nghiên cứu, làm rõ thêm cơ chế thỏa thuận thù lao cho đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cơ bản tán thành với Báo cáo của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đồng thời bày tỏ đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng về thẩm quyền quyết định danh mục hành hoá thuộc diện bình ổn giá.

Tức là giữ theo quy định hiện hành vì đang thực hiện ổn định. Về phương án 2, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng không nên uỷ quyền toàn bộ cho Chính phủ như phương án 2 mà nên theo cách thức đã làm như với Nghị quyết 30 và các vấn đề phòng, chống Covid, phải có ý kiến của UBTVQH trước khi ban hành và khẳng định thẩm quyền quyết định của Quốc hội và có thể uỷ quyền cho UBTVQH.

Luật Giá có phần quá nghiêng về thị trường?

Liên quan đến Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh băn khoăn phải chăng Luật Giá có phần quá nghiêng về thị trường mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa bị giảm đi.

Liên quan đến điều khoản thi hành, bãi bỏ khoản 3 Điều 2 và khoản 4 Điều 23 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, Luật này đã được Quốc hội thông qua vào 13/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đồng thời cho biết, mới đây, 1/3/2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản 654 về vấn đề này. Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh băn khoăn vấn đề đặt ra là những quy định của Luật này và Luật Nhà ở đã được lấy ý kiến đầy đủ các thành viên của Chính phủ hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình và đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nhằm hoàn thiện dự án luật
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình và đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nhằm hoàn thiện dự án luật

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình và đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nhằm hoàn thiện dự án luật.

Về vấn đề cụ thể, liên quan tới quy định về thẩm quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong dự thảo đã chỉnh lý, tiếp thu theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Định hướng như trên là rất hợp lý, tuy nhiên cần phải quan tâm thêm để xử lý hài hòa hơn. ...

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm sự thống nhất về chính sách giá. Sự không thống nhất của các chính sách giá sẽ ảnh hưởng đến chính sách chung. Cùng với đó, các quy định của Luật Giá (sửa đổi) vừa phải tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường, vừa phải bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật có 5 Điều quy định về thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó, theo Luật Tổ chức Chính phủ, thẩm quyền chung thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực sẽ do Chính phủ phân công cho các bộ, ngành để thống nhất quản lý. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế bày tỏ băn khoăn về việc có những điều, khoản quy định quá chi tiết chức năng nhiệm vụ cho các bộ, ngành về lĩnh vực giá. Phải chăng như vậy có làm sự linh hoạt của Chính phủ hay không? Quy định như vậy có thể chồng chéo, bỏ sót. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc quy định về thẩm quyền.

Liên quan tới danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong phụ lục dự kiến bổ sung thêm hai mặt hàng, bỏ ra 16 mặt hàng, do đó đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về vấn đề này để đưa vào danh mục hàng hoá này. Về thẩm quyền, cần giữ nguyên quy định như hiện hành.

Đánh giá tác động, đảm bảo lợi ích của người dân

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để Ủy ban Thường vụ xem xét.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình

Đi vào một số nội dung lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc định giá, cần tách làm hai nội dung: định giá để hình thành tài sản công và định giá để thị trường xã hội tham khảo. Theo đó, cần có sự phân biệt minh bạch hai nội dung định giá này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo luật sẽ quy định theo hướng Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn phương pháp định giá chung, đối với các giá chuyên ngành, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quản lý, đối với các mặt hàng chuyên ngành thì do cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì. Về trách nhiệm kê khai và chịu trách nhiệm về thông tin kê khai, Bộ Tài chính sẽ báo cáo lại Chính phủ và làm rõ hơn về nội dung này.

“Về thù lao công chứng, thù lao đấu giá, đây là ngành kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định trong luật, đánh giá tác động đầy đủ để đảm bảo lợi ích của người dân và các bên liên quan. Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, đảm bảo quỹ hoạt động một cách bình ổn nhất; đảm bảo vai trò quản lý phải nộp vào đầy đủ kịp thời. Nghị định 95 sửa đổi sẽ đề xuất Bộ Công thương quản lý một cách chặt chẽ hơn…”  - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin.