Danh sách doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất: Nơi bứt phá về nhất, chỗ đi lùi

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất vừa được Tổng cục Thuế công bố cho thấy có nhiều xáo trộn. VPBank đã vượt lên dẫn đầu danh sách, trong khi đó, Viettel lùi xuống vị trí thứ 2 sau nhiều năm dẫn đầu liên tiếp.

VPBank vươn lên dẫn đầu, Viettel mất "ngôi vương"

Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất (V.1000) trong năm 2022. Danh sách này đã điểm tên các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ viễn thông, sản xuất tới tài chính- ngân hàng như: Viettel, Honda Việt Nam, Vietcombank, Agribank, BIDV, Samsung Việt Nam… Trong đó, nhiều cái tên bứt phá như VPBank từ vị trí thứ 8 trong năm 2021 lên vị trí dẫn đầu cả nước trong năm 2022.

Trong năm 2022, tổng số thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác VPBank nộp vào ngân sách tăng 94% so với năm trước.
Trong năm 2022, tổng số thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác VPBank nộp vào ngân sách tăng 94% so với năm trước.

Trong năm 2022, tổng số thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác VPBank nộp vào Ngân sách Nhà nước đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2021. Tổng số thuế TNDN của ngân hàng tăng đột biến trong năm 2022 đến từ khoản tăng thu nhập đột biến từ hoạt động bảo hiểm, và số thuế thu nhập phải đóng từ thương vụ chuyển nhượng 50% cổ phần tại FE Credit cho nhà đầu tư. 6 tháng đầu năm 2023, VPBank đã nộp gần 3,6 nghìn tỷ đồng thuế TNDN. Tính chung 2 năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng đã nộp gần 13,3 nghìn tỷ đồng vào Ngân sách Nhà nước.

Kết thúc quý III/2023, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng mẹ đạt gần 11 nghìn tỷ đồng. Điểm nhấn trong quý III đến từ dư nợ tín dụng tại ngân hàng mẹ tăng trưởng an toàn, có chọn lọc, hậu thuẫn bởi thanh khoản dồi dào và nền tảng vốn vững chắc.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Viettel, Công ty Honda Việt Nam, Vietcombank, Agriban), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), BIDV, Công ty TNHH Sam sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, MB, Công ty CP Thế giới di động, Vietinbank…

Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy tổng số thuế TNDN đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách V.1000 (2022) chiếm 58,2% tổng thu Ngân sách Nhà nước về thuế TNDN, và bằng 85,1% so với số đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách công bố năm 2021.

Hơn 300 doanh nghiệp 7 năm liên tiếp trong V.1000

Tổng cục Thuế cho biết, việc xác định danh sách xếp hạng V.1000 trên cơ sở mức nộp thuế TNDN vào Ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp hàng năm, không xem xét đến tính tuân thủ pháp luật thuế. “V.1000 năm 2022 không nhằm mục đích tôn vinh doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật thuế. Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp bị cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện sai phạm, thì tùy vào mức độ vẫn bị xử lý vi phạm theo đúng quy định” – Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Qua 6 năm thực hiện, có 301 doanh nghiệp 7 năm liên tiếp nằm trong V.1000 của năm 2022, 2021, 2020, 2019, 2018, 2017 và 2016. Có 331 doanh nghiệp trong V.1000 năm 2021 bị loại ra khỏi danh sách V.1000 năm 2022, trong khi đó 331 doanh nghiệp được bổ sung vào. Qua rà soát, nguyên nhân chủ yếu của 331 doanh nghiệp bị loại ra khỏi V.1000 năm 2022 là do được lùi thời gian thực hiện tạm nộp thuế TNDN năm 2022 vào đầu năm 2023 (21 doanh nghiệp). Cụ thể, theo Nghị định số 91/2022/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải nộp 80% thuế TNDN của năm 2022, thời hạn cuối cùng là ngày 30/1/2023 (còn theo quy định cũ tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì DN phải nộp 75% thuế TNDN tạm nộp của năm 2022, thời hạn cuối cùng vào ngày 31/10/2022).

Một số doanh nghiệp nộp trong năm 2021 lớn do nộp cho các hoạt động phát sinh không thường xuyên, đặc thù (chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, bán máy móc thiết bị y tế phục vụ dịch Covid-19, hoạt động khác); doanh nghiệp nộp cho quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2021…

Trong số 331 doanh nghiệp bổ sung vào V.1000 năm 2022 chủ yếu là nhờ nộp thuế TNDN cho hoạt động phát sinh không thường xuyên (chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, hoạt động khác); nộp cho quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2021.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có số tạm nộp trong năm 2022 lớn hơn số phát sinh phải nộp; doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động dẫn đến tăng doanh thu, thu nhập 2022; doanh nghiệp hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình đi vào hoạt động chính thức có doanh thu.