"Đánh thức" du lịch di sản, hút khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch di sản để thu hút du khách. Nhưng vấn đề đặt ra là phải có những biện pháp kiểm soát để phát huy bền vững đối di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Nhiều chương trình tour độc đáo

Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) nhiều năm trở lại đây là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Chủ Homestay Hoàng Long Riverside (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) Nguyễn Thị Nhung cho biết, những tháng hè khách quốc tế đặt phòng qua trang du lịch Booking.com khá thường xuyên.

Thực tế cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp du lịch đã tổ chức nhiều tour tham quan, khám phá di sản văn hóa, thiên nhiên. Cụ thể, Công ty du lịch Flamingo Redtours đã giới thiệu tới du khách bộ sản phẩm “Thăm lại chiến trường xưa” với nhiều tour kết nối Quảng Bình- Quảng Trị- cầu Hiền Lương-sông Bến Hải- địa đạo Vĩnh Mốc- biển Cửa Tùng; Quảng Trị- địa đạo Vĩnh Mốc- Thành cổ Quảng Trị- Nghĩa trang Trường Sơn... "Để hành trình tìm hiểu di sản thiên nhiên thêm sống động, các tour đều được lồng ghép thêm những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, cảnh quan điểm đến"- Phó Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết.

Du khách thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng, bên cạnh các tour du lịch di sản đã định hình sản phẩm quen thuộc với du khách, nhiều năm qua không ít doanh nghiệp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch di sản mới xuất phát từ Hà Nội. Điển hình như những tour đi từ Hà Nội - Quảng Bình, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng)… dành cho những du khách thích du lịch mạo hiểm. Hay các tuyến du lịch tâm linh xuất phát từ di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đến Tây Yên Tử (Bắc Giang).

Du khách thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam

Coi phát triển du lịch là cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn TP Hà Nội đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch di sản đặc sắc. Trong đó, có thể kể đến “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích nhà tù Hỏa Lò, chùa Một Cột…

Những tuyến du lịch khám phá di sản Việt Nam luôn có sức hấp dẫn riêng khi chạm tới cảm xúc của du khách. “Nhiều doanh nghiệp đã xác định các tuyến du lịch kết nối di sản được xem là sản phẩm “đinh” của các đơn vị, đặc biệt là trong chiến lược quảng bá thu hút du khách quốc tế”-Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nói.

Cần gắn kết chặt chẽ hơn

Dù đã có những khởi sắc nhưng theo các chuyên gia, loại hình du lịch di sản vẫn chưa phát triển xứng tiềm năng, nhất là chưa phát huy được lợi thế gắn kết với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để cùng phát triển.

Phân tích nguyên nhân khiến loại hình du lịch này chưa phát triển như mong muốn Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KH&XHNV) TS Phạm Hồng Long nêu rõ: phần lớn các điểm di sản mới đang ở dạng đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng, nên dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi, giải trí còn ít.

Du khách thăm quan di tích đến Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan di tích đến Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Điều này dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp du lịch chỉ coi những điểm di sản văn hóa là điểm phụ trợ trên tuyến hành trình của du khách chứ không có khả năng hút khách. Bên cạnh đó, việc phân loại thị trường du lịch, liên kết, xây dựng chương trình tour... để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, không trùng lặp cũng chưa được coi trọng, khiến du lịch di sản phát triển rời rạc, thiếu sự hoàn thiện trong kết nối tour, tuyến.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng còn dè dặt với việc xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản phi vật thể. Lý do được đưa ra như thiếu kinh phí, ít nghệ nhân, thiếu người duy trì hoạt động thường xuyên… Không những vậy, di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang được khai thác để phục vụ du lịch một cách khá manh mún, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Điều này đã biến một số loại hình di sản phi vật thể thành hàng hóa đơn thuần gây nên những tác động khiến di sản ngày càng méo mó.

Du khách thăm quan di tích văn hóa huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan di tích văn hóa huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục những điểm yếu này, phát triển loại hình du lịch di sản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, mỗi di tích có một thế mạnh riêng, cần chọn những điểm đặc sắc nhất để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đem lại ấn tượng sâu đậm cho du khách. “Yếu tố cốt lõi để đưa di sản tới gần hơn với du khách là các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Quá trình khai thác du lịch cần được gắn kết với bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng khách”- ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia PGS.TS Dương Văn Sáu- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa, thiên nhiên chính là xây dựng mối liên kết giữa du lịch với ngành văn hóa để định hướng khai thác các giá trị văn hóa cụ thể của di tích lịch sử.

Liên kết giữa các điểm đến với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt. “Điều quan trọng là cần tạo được sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch giữa các địa phương có tài nguyên đồng dạng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, từ đó tạo thương hiệu riêng cho từng địa phương”-ông Sáu phân tích.

Du khách thăm quan di tích lịch sử cấp quốc gia đền Hai Bà Trưng (Mê Linh). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan di tích lịch sử cấp quốc gia đền Hai Bà Trưng (Mê Linh). Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh khuyến nghị, các địa phương có di sản quan tâm xây dựng, ban hành các chính sách, kế hoạch hành động cụ thể từ đó phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật... trong phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức, quản lý phát triển du lịch ở các khu vực di sản phù hợp qua đó bảo đảm cho công tác bảo tồn di sản và chất lượng môi trường phát triển bền vững.