Đánh thuế tài sản: Nên hay không?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/6, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Theo các đại biểu, nhiều nước trên thế giới cũng đánh thuế tài sản, tuy nhiên, cách đánh thế nào để phù hợp với mức sống của người dân tại Việt Nam, đảm bảo công bằng thuế là điều cần được bàn đến.

 Nhiều nhà liền kề tại quận Hà Đông vẫn chưa có người sử dụng. Ảnh: Thanh Hải
Các nước chỉ đánh thuế tài sản với bất động sản
Bà Lê Thị Mai Liên - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện thuế tài sản được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như: Thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng. “Nhìn chung, hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, cũng như không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản”- bà Liên nói.

Theo đại diện Viện này, hầu hết các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản. Chỉ có một vài nước đánh thuế đối với tài sản (ô tô, tàu bay, du thuyền) như: Hàn Quốc, Kyzgystan, Bungari, Argentina. Hàn Quốc đánh thuế tài sản theo giá trị hiện tại của tài sản (0,3% đối với tàu bay, du thuyền loại thông thường và 5% đối với du thuyền hạng sang).
“Thuế tài sản chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản, có giá trị lớn, đánh thuế luỹ tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà, đất khi đánh thuế”.

Luật sư Trương Thanh Đức- Công ty Luật Basico
Kyzgystan đánh thuế đối với phương tiện giao thông căn cứ vào dung tích xi lanh, loại xe, thời gian sử dụng hoặc tính trên 0,5% giá trị ghi sổ của tài sản. Bungari đánh thuế tài sản đối với ô tô dựa trên động cơ có hệ số điều chỉnh theo năm sản xuất xe.

Nghiên cứu trường hợp của Bang Ontario (Canada), Chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam Nicolas Drouin cho biết, hàng năm, chính quyền đô thị sẽ xem xét lại nhu cầu ngân sách và bỏ phiếu xác định mức tăng thuế tài sản dựa vào tỷ lệ lạm phát và các nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới, nếu cần thiết. Chính quyền đô thị phải tổ chức tham vấn công chúng về nhu cầu ngân sách và mức tăng thuế tài sản liên quan. Việc đánh giá lại giá trị hiện tại của tài sản được thực hiện 4 năm/ lần để đảm bảo giá trị định giá phản ánh sát sao thị trường bất động sản. Việc áp dụng chương trình bình ổn định giá giúp hạn chế tác động của việc tăng giá trị tài sản bị định giá. Các mức tăng giá trị tài sản được phân bổ đều cho 4 năm.

Chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, Luật Thuế tài sản nên áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất, nếu vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế.

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đưa ra gợi ý về cách đánh thuế, về giá nhà, đất để tính thuế ngắn hạn căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Trung và dài hạn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường. Nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO cho rằng, nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào.
Thuế tài sản tại Canada được sử dụng vào những mục đích gì?
Thuế tài sản tại Canada được sử dụng cho các mục đích giáo dục (các trường tiểu học và trung học các cấp); văn hóa và giải trí (Công viên, bể bơi, trung tâm cộng đồng, thư viện”, các lĩnh vực Y tế và phúc lợi (các dịch vụ y tế công cộng, cấp cứu, chi phí hành chính đảm bảo phúc lợi cộng đồng); Nhà ở, sử dụng đất, bảo vệ an toàn công cộng, giao thông vận tải và các tiện ích khác.

Chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam Nicolas Drouin