Đạo làm công bộc của dân

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Và để làm tròn nhiệm vụ đó, người cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng.

Theo Người, điều này “cũng như sông, phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”.
Vừa qua, chúng ta đã có dịp nhìn lại mình sau 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng mà Người ra đi đã để lại cho chúng ta. Kiểm điểm lại quả là có quá nhiều điều không thể nào vui nổi khi mà số cán bộ lãnh đạo mắc phải kỷ luật hoặc phạm tội, phải chịu vòng lao lý vài năm vừa qua đã nhiều hơn trước đến mức đáng lo.
Thậm chí, có cả cán bộ cấp cao tưởng như ở vị trí “bất khả xâm phạm”, vậy mà vẫn bị xử rất nghiêm. Dù không vui gì trước điều này, nhưng hy vọng rằng đó là sự nghiêm khắc cần thiết, nhất là vào lúc chúng ta đang chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đã cận kề.
Một loạt vụ việc thể hiện “lợi ích nhóm” trong một số lãnh đạo cấp cao xảy ra những năm qua đã cho thấy rất đáng báo động bởi sự tha hóa về đạo đức của người cán bộ. Người ta có thể chủ mưu xây dựng kịch bản dùng tiền Nhà nước mua cổ phần DN tư nhân AVG đắt gấp 4 - 5 lần mức giá thực, tức là sẵn sàng “nhắm mắt” để Nhà nước mất đi hơn 7.000 tỷ đồng!
Người ta có thể dùng quyền lực của ngành được giao là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự xã hội cho dân, nhưng rồi lại bảo kê cho DN ngang nhiên mở “sòng bạc công nghệ cao” và ngang nhiên gắn biển tại ngay cơ quan công an để hoạt động thì thật không biết nói sao.
Nhờ vậy, mỗi cá nhân các tướng công an tham gia bảo kê ấy thu về túi cá nhân mình rất nhiều tiền bạc mỗi tháng như lời khai của mấy kẻ chủ mưu tại tòa. Chỉ vậy thôi chúng ta cũng không thể nào hình dung nổi sự băng hoại đạo đức của mấy ông tướng nọ...
Chính vì lý do này, việc lựa chọn người lãnh đạo chấp nhận dấn thân làm công bộc của dân sẽ bắt buộc phải thật sự chí công vô tư, phải có đức và có tài là rất hệ trọng. Nếu không như thế, sự an nguy của một chế độ cũng sẽ từ nguyên nhân này gây ra.
Nhắc đến cái đạo của người làm quan, có lẽ nhiều người còn nhớ là câu chuyện của Gia Ngữ viết về một người cháu và một người học trò của đức Khổng Tử. Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử còn Bật Tử Tiện là học trò của đức Khổng Tử. Họ cùng được bổ làm quan một thời.
Nghe câu chuyện, tôi thấy nhiều điều thật thâm sâu, rất đáng để ta suy ngẫm. Dịp đó, đức Khổng Tử ghé qua chơi nhà cháu là Khổng Miệt. Ông hỏi Khổng Miệt: “Từ khi ngươi ra làm quan thì ngươi thấy mình được điều gì và mất điều gì?”.
Khổng Miệt thưa: “Từ khi cháu ra làm quan, thấy chưa được điều gì mà lại mất luôn 3 điều: Việc quan thì bận nên không còn thời gian học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc thì ít, không đủ chu cấp cho họ hàng vì thế mà họ hàng mất dần đi sự thân thiết; công việc thì nhiều nên không thể đi thăm người thân đau ốm hoặc viếng họ khi chết, vì thế mà có cảm giác mình ăn ở với người thân không được trọn vẹn”. Đức Khổng Tử nghe xong mà thấy không bằng lòng với cháu mình.
Sau đó, ngài lại qua thăm học trò là Bật Tử Tiện. Ở đó, ông cũng hỏi y như câu hỏi với người cháu khi trước. Bật Tử Tiện bèn thưa thầy: “Từ khi trò này ra làm quan, thấy cũng chưa mất cái gì ngoài cái sự được với 3 điều: Những gì trước đây thầy dạy con, nay đem ra thực hành, vì thế nên thấy cái sự học được càng rõ; bổng lộc dù có bạc một chút đấy nhưng dù sao cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, người thân, vì thế mà người thân càng thấy gần gũi nhau; việc quan tuy rất bận nhưng kể ra cũng đủ thời gian đi thăm người đau và viếng người mất, vì thế mà bầu bạn càng thân thiết”. Nghe trò nói xong, ông khen thầm: Tử Tiện thật là người quân tử! Khổng Tử khen vậy tức là ông chê cháu mình - Khổng Miệt.
Cùng một cảnh làm quan, cùng một việc được hỏi nhưng do cách xử thế của mỗi người mà kết quả không giống nhau. Người thì cho là thấy chỉ có mất và người thì ngược lại, cho là được nhiều. Vậy rõ ràng điều đó đều do mình cả và đó chính là đạo đức của người làm quan biết cách ứng xử ở đời mà có được. Hôm nay, hậu thế chúng ta có lẽ cũng rất nên suy ngẫm để học tập.