Thông điệp từ lịch sử:

Đào Nguyên Phổ trong cuộc Duy Tân đầu thế kỷ XX

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 48 năm cuộc đời Đào Nguyên Phổ (1861 - 1908) nằm trọn trong một giai đoạn bi đát của dân tộc khi bị thực dân Pháp xâm lược trong bối cảnh khủng hoảng, bất lực của triều đình nhà Nguyễn và tư tưởng phong kiến.

Đây cũng là giai đoạn các nho sĩ lần tìm đường Duy Tân cứu nước mà ông có tham dự với vai trò nổi bật.

Từ thầy đồ đến nhà báo
Đào Nguyên Phổ quê làng Thượng Phán, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; lúc đầu có tên là Đào Doãn Cung, còn gọi là Đào Văn Mại. Năm 17 tuổi, ông đỗ tú tài; sau đó, từ 1878 đến 1883 đi dạy học; từ 1884 đến 1890, làm giáo thụ ở Tam Nông, Hưng Hóa. Năm 1884, ông được thăng chức tri huyện Võ Giàng, Bắc Ninh. Năm 1891, huyện Võ Giàng nơi ông đang làm tri huyện xảy ra vụ mất tiền thuế của huyện. Nhờ có anh là Đào Thế Mỹ lo lót, chạy tội giúp nên ông chỉ bị bãi chức. Sau vụ này ông lại lại làm thầy đồ. Trong những năm từ 1891 đến 1894, ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước, trong số đó có Nguyễn Thượng Hiền. Chính Nguyễn Thượng Hiền đã khuyên ông đổi tên thành Đào Nguyên Phổ khi vào Huế xin học ở Quốc Tử Giám.
Năm1898, Đào Nguyên Phổ đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp và được giữ lại làm quan Hàn lâm thừa chỉ. Đây cũng là giai đoạn ông tiếp xúc nhiều nhất với Tân thư để chuyển biến từ nhà nho truyền thống sang một nhà nho duy tân, tích cực hoạt động trên mặt trận văn hóa, giáo dục.
Đồng thời lúc này, ông tham gia lớp học tiếng Pháp tại Pháp tự Quốc gia học đường. Việc học tiếng Pháp đã giúp cho có những kiến thức Tây học và mở mang tầm nhìn. Năm 1902, Đào Nguyên Phổ được triều đình cử ra Hà Nội tham gia làm báo Đại Nam đồng văn nhật báo với vai trò chủ bút. Đây công báo truyền bá của chính quyền thuộc địa xuất bản từ ngày 30/08/1891, in bằng chữ Hán, nhằm phổ biến thông tin và chính sách truyền bá của nhà nước bảo hộ…
Năm 1907, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo chuyển thành Đăng Cổ Tùng Báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút với sự cộng tác của Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Thiện Kí, Kiều Oánh Mậu và nhiều yếu nhân trong Đông Kinh Nghĩa Thục.
Như vậy là từ một thầy đồ - nhà nho, Đào Nguyên Phổ đã kiên trì con đường học tập để thâu nhận kiến thức Đông - Tây, đặc biệt là tiếp nhận tư tưởng duy tân để trở thành chí sĩ duy tân. Ông không chủ động đến với nghề báo nhưng báo chí đã đã trở thành phương tiện để ông tham gia công cuộc duy tân văn hóa - giáo dục và trở thành người tiên phong trong làng báo Việt Nam.
“Lấy quốc ngữ làm chuông cảnh tỉnh”
Đông Kinh Nghĩa Thục - trường học kiểu mới do các chí sĩ Duy Tân sáng lập vào tháng 3/1907 tại Hà Nội, phỏng theo mô hình Khánh Ứng Nghĩa Thục ở Nhật Bản. Trường do Lương Văn Can làm thục trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học. Đào Nguyên Phổ là sáng lập viên và có chân trong ban Tu thư.
Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động trong chín tháng nhưng đã gây được ảnh hưởng khá sâu rộng, góp sức rất nhiều cho việc truyền bá tư tưởng duy tân; Là một cơ sở giáo dục kiểu mới rất tích cực nhằm “khai dân trí, chấn dân khí” giữa lúc nền giáo dục nước nhà đang mất phương hướng.
Mặc dù lúc này đang rất bận công việc ở Đại Việt tân báo (chủ bút) và Đông cổ tùng báo (phụ trách phần chữ Hán), sức khỏe cũng không tốt, nhưng Đào Nguyên Phổ đã tích cực tham gia vào hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục ngay từ đầu đến ngày trường bị đóng cửa. Tên trường Đông Kinh Nghĩa Thục là do ông đề nghị. Đôi câu đối dán ở trước cửa trường được coi như tôn chỉ, mục đích hoạt động của trường cũng là do ông viết: Lấy quốc ngữ làm chuông cảnh tỉnh, khua vang ngõ hẹp hang cùng/Đem báo chương thay đuốc văn minh, soi rạng miền Nam cõi Bắc. Vì bận công việc làm báo và sức khỏe yếu, ông không trực tiếp giảng dạy nhưng có nhiều công trong việc biên soạn sách và tài liệu cho giảng dạy trong đó có sách Ấu học Hán tự tân thư. Và chắc chắn các sách, tài liệu của trường như Quốc dân độc bản, Văn minh tân học sách, Nam quốc vĩ nhân truyện… là có đóng góp của ông.
Mặt khác, với tư cách chủ bút Đại Nam Đồng Văn nhật báo, Đại Việt tân báo và phụ trách phần chữ Hán ở Đông Cổ tùng báo, ông không những truyền bá tư tưởng duy tân, cổ vũ cho Đông Kinh Nghĩa Thục mà còn đăng tải nhiều tài liệu trên các báo này để sau đó đưa vào giảng dạy trong trường như Văn minh tân học sách chẳng hạn.
Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động trong chìn tháng nhưng đã tổ chức ra được một cơ sở giáo dục kiểu mới rất tích cực lúc đó giữa lúc nền giáo dục nước nhà đang mất phương hướng. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là một trường học kiểu mới, các nhà nho duy tân đã biết lợi dụng sự hoạt động hợp pháp của trường để tuyên truyền, phổ biến, cổ động những nội dung yêu nước.

Thực dân Pháp đã sớm thấy nguy cơ Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành “cái lò phiến loạn ở Bắc kỳ” nên đã ra lệnh đóng cửa trường vào tháng 12/1907. Tất cả các sách vở, tài liệu của trường bị tịch thu, tiêu hủy, các yếu nhân bị bắt bớ, tù đày. Lúc đó Đào Nguyên Phổ đang hoạt động ở ngoài nên thoát được.

Cũng năm 1908 là thời điểm xảy ra vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, phong trào kháng thuế xin xâu ở Trung kỳ nên thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn để đàn áp, dập tắt các phong trào này. Chúng truy lùng gắt gao những người có liên quan. Đào Nguyên Phổ phải trốn ở nhà bạn. Để giữ trọn danh tiết và tránh liên lụy cho bạn, ông đã tự sát vào ngày 22/6/1908.
Di sản văn chương và sử học
Cũng như nhiều sĩ phu duy tân cùng thời, Đào Nguyên Phổ đã sử dụng ngòi bút làm phương tiện truyền bá, cổ vũ duy tân đất nước và có nhiều thành tựu văn chương, sử học, báo chí.
Về sử học, mặc dù không biên soạn các sách lịch sử lớn nhưng ông có công lớn viết đề tựa giới thiệu các sách lịch sử như Việt sử yếu lược, Việt sử tân ước toàn biên và Việt sử mông học. Trong bài tựa sách Việt sử yếu lược ông đã cảnh báo nghịch lý đáng buồn là dân ta am hiểu sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam; người Việt Nam phải hiểu biết nguồn gốc, lịch sử của chính dân tộc mình khẳng định lại địa vị độc lập của mình. Còn bài tựa sách Việt sử mông học ông lại mong mỏi mọi người không chỉ đọc lịch sử nước nhà mà đọc cả sử của các nước khác để “chuyển nghèo thành giàu, đổi yếu thành mạnh”.

Ở bài tựa sách Việt sử tân ước toàn biên, ông khẳng định: “Nước không cứ lớn nhỏ, có nước ắt có sử. Sử như một bức ảnh chụp toàn cảnh đất đai, Nhân dân cùng tình hình chính trị, giáo dục các thời đại”. Ông chỉ ra tác hại rất lớn của việc không học quốc sử và cho rằng người trí thức, sĩ phu phải nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cả lịch sử thế giới lẫn lịch sử nước nhà.
Về phê bình văn học, ông có bài Tựa Đoạn trường tân thanh, ca ngợi Truyện Kiều là toàn bích, như một khúc “nam âm tuyệt xướng”.
Ông là tác giả của sách Tây Sơn thủy xuất mạt khảo viết về một triều đại Tây Sơn. Mặc dù quan điểm đánh giá còn có những bất cập, thiếu khách quan nhưng đã có những bình luận và những thông tin có giá trị.
Bài văn sách thi Đình đỗ đầu khoa thi của Đào Nguyên Phổ cũng đã cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc tình thế của đất nước, bối cảnh thế giới và những kiến giải sâu sắc để có một đường lối trị nước đạt hiệu quả tối ưu theo tư tưởng Duy Tân.
Ngoài ra, mặc dù đã bị thất lạc nhiều nhưng ông đã để lại khá nhiều thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm . Đó là những bài thơ bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của người nho sĩ trước tình cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm mà chưa có ai, chưa có cách nào để đưa đất nước đến với độc lập, tự do.
Đào Nguyên Phổ còn để lại một số tác phẩm dịch được đánh giá cao, đáng chú ý là bản dịch thơ Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha.

 

Đào Nguyên Phổ là người đồng thời với bộ ba phát động phong trào Duy Tân là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Ông là một trong những thủ lĩnh và có vai trò quan trọng của phong trào Duy Tân ở Bắc kỳ. Ông ra đi khi sự nghiệp chưa thành nhưng dấu ấn của ông trên hành trình Duy Tân cứu nước, trên dòng văn hóa, văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ thì không thể phai mờ.