Đào tạo nghề cho nông dân phải thiết thực

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) thành công, người học là yếu tố giữ vai trò quan trọng. Bởi vậy, nhiều cơ sở dạy nghề chú trọng biên soạn chương trình giúp người học dễ hiểu để áp dụng vào thực tế.

Dạy nghề theo nhu cầu
Những ngày giữa tháng 12 này, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở các quận, huyện, phường, xã đang diễn ra khẩn trương để đảm bảo đạt kế hoạch và chất lượng. Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết: Năm 2017, các quận, huyện, thị xã tổ chức đào tạo nghề cho 23.415 LĐNT tại 20 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 13.590 người học nghề nông nghiệp và 9.825 người học nghề phi nông nghiệp. Từ cuối tháng 10/2017, sau khi UBND TP phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề trên địa bàn TP, các quận, huyện, thị xã đã xem xét hồ sơ để ký hợp đồng đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Bà con nông dân đang học nghề Chăn nuôi - Thú y tại địa bàn huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thủy Trúc

Do tổ chức nghề đào tạo đáp ứng theo yêu cầu, nên bà con nông dân tham gia các buổi học tương đối đầy đủ. Chia sẻ về công tác đào tạo nghề cho LĐNT năm 2017 ở huyện Mỹ Đức, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Hà Nội cho hay: “Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai hơn 10 lớp dạy nghề cho bà con, tập trung vào May công nghiệp. Với nghề nông nghiệp, trường chú trọng vào các nghề bà con có nhu cầu học cao như chăn nuôi thú y và trồng cây ăn quả”.

Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Hoài Đức cho biết, Trung tâm đã tổ chức được 3 lớp Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn. Nếu việc thanh quyết toán thuận lợi, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục mở 2 lớp May công nghiệp.

Thu nhập cao gấp từ 1,5 lần

Bà Hiền cũng cho biết, năm 2016, Trung tâm GDNN-GDTX Hoài Đức tổ chức được 15 lớp cho 452 nông dân của huyện học 6 nghề (Kỹ thuật chế biến món ăn, May công nghiệp, Tin học văn phòng, Trồng rau hữu cơ, Trồng rau an toàn; Chăn nuôi thú y và Trồng cây ăn quả). Đây là những nghề giúp bà con dễ xin việc và tự tạo việc làm sau khi kết thúc khoá học. Với nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, rất nhiều người sau khi học xong được nhận vào trường học, DN tại cụm công nghiệp An Khánh, La Phù để nấu ăn cho học sinh, công nhân với mức lương ổn định.

Nhận định về hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, bà Ngô Thị Tuyến – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức cho biết, chị em tiếp thu được kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức các lớp Trồng lúa chất lượng cao, Trồng cây ăn quả và năm 2016 là Chăn nuôi thú y. Nhờ được học nghề, thu nhập của hội viên phụ nữ xã Xuy Xá tăng lên, góp phần cải thiện cuộc sống.

Ngoài vai trò của giáo viên thì nội dung đào tạo phải dễ hiểu, nhất là khi lứa tuổi và trình độ của nông dân không đồng đều. Vì thế, trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Hà Nội dựa vào chương trình của TP, sau đó nghiên cứu thực tế tại từng địa phương. Đồng thời tiếp xúc với nông dân để lắng nghe nhu cầu, tìm hiểu đặc tính, tập quán của bà con từ đó mới biên soạn chương trình. Sau đó, mời giảng viên có kinh nghiệm truyền đạt kiến thức. Không chỉ đào tạo, nhiều cơ sở dạy nghề đã kết hợp với DN để giúp học viên tìm việc làm và tiêu thụ sản phẩm rau sạch, thịt gia súc gia cầm. Qua đó, góp phần nâng tỉ lệ có việc làm từ 75% lên 80% đối với nghề phi nông nghiệp, mức thu nhập trung bình từ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Với nghề nông nghiệp, bà con áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập tăng 1,5 - 2 lần.

Tuy nhiên, trong năm qua chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn hạn chế, ví như có cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định; thời gian dạy chưa đúng với kế hoạch xây dựng chương trình. Để khắc phục tình trạng này, đoàn cán bộ TP đã có những chuyến khảo sát, kiểm tra công tác đào tạo nghề; đồng thời, chỉ ra tồn tại để hoạt động này thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.