Đào tạo, sát hạch lái xe: Hàng loạt bất cập, hạn chế

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) từ lâu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đã đến lúc lĩnh vực này cần sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện để làm mới chính mình cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.

Bất cập nối dài

Cũng giống như đăng kiểm, đào tạo, sát hạch và cấp GPLX (gọi tắt là công tác đào tạo lái xe) là lĩnh vực đặc biệt trong ngành giao thông vận tải (GTVT). Đây được xem như những “màng lọc” không thể thiếu nhằm bảo đảm chất lượng phương tiện và người lái khi tham gia giao thông.

Sau một thời gian dài vận hành, cả hai lĩnh vực này đều cho thấy sự hạn chế, bất cập, thậm chí là những kẽ hở lớn cho sai phạm và tiêu cực phát sinh. Đăng kiểm vừa thực hiện một cuộc cách mạng. Đây là điều mà đào tạo lái xe cũng cần làm trong thời gian tới.

Những bất cập trong công tác đào tạo lái xe đã được nhắc đến trong nhiều năm qua. Một trong những hạn chế được nói đến nhiều nhất là chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát với thực tế; việc sát hạch còn hình thức, dễ dãi. Điều này dẫn đến tình trạng không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, vượt qua kỳ sát hạch và được cấp GPLX hẳn hoi nhưng lại không đủ tự tin để lái ô tô ra đường.

Trung tâm sát hạch lái xe Ngọc Hà, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Trung tâm sát hạch lái xe Ngọc Hà, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Khi được hỏi về lý do học lấy bằng mà không thấy sử dụng, nhiều người thẳng thắn rằng, đang dễ thì tranh thủ học, phòng trường hợp sau này chương trình đào tạo và sát hạch sẽ khó hơn.

Một bất cập nữa, các trung tâm đào tạo gần như không quản lý chương trình đào tạo mà khoán trắng cho giáo viên, giáo viên nhận 4 - 5 học viên một xe và không kiểm soát chương trình, thời lượng đào tạo của họ. Điều này do chúng ta chưa kiểm soát được các trung tâm đào tạo có đủ thời lượng hay không.

Để có những người lái xe an toàn tham gia giao thông, công tác đào tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Vì vậy, phải thay đổi định hướng đào tạo theo hướng đào tạo lái xe an toàn, không chỉ đơn thuần là đào tạo, sát hạch cấp GPLX, từ đó mới đưa ra được giải pháp phù hợp. Có nhiều thứ phải thay đổi, nhưng trước tiên phải thay đổi các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo hiện nay.

Không chỉ có bất cập, hạn chế, những sai phạm và tiêu cực cũng là vấn đề nhức nhối trong công tác đào tạo lái xe trong thời gian qua.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2023 diễn ra cách đây không lâu, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng cho biết, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được phân cấp tương đối triệt để cho địa phương, đồng thời đã thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản, đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.

Tuy nhiên, ở một số nơi, có lúc đã xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến giữa tháng 7, các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT đã chuyển thông tin cho cơ quan công an 5 địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với 6 cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu gian lận trong đào tạo thực hành lái xe ô tô.

Tại các cơ sở này có hiện tượng số phiên học trùng xe tập lái, trùng học viên cao bất thường, tiềm ẩn nguy cơ can thiệp vào dữ liệu, thiết bị DAT để gian lận trong dạy thực hành lái xe ô tô.

Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra, các sở GTVT cũng xử lý các vi phạm theo quy định, gồm thu hồi 1 giấy phép đào tạo lái xe ô tô; xử phạt vi phạm hành chính 177 cơ sở đào tạo (trong đó đình chỉ tuyển sinh 85 đơn vị), 19 trung tâm sát hạch lái xe (trong đó tước quyền sử dụng giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động của 15 đơn vị).

Trước những bất cập, hạn chế cũng như sai phạm tồn tại trong công tác đào tạo lái xe, thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều thay đổi, điển hình nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp.

Thế nhưng, những thay đổi này chưa kịp phát huy hiệu quả đã lập tức cho thấy những vấn đề. Điển hình là việc Bộ GTVT ban hành quy định các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học.

Theo lý giải của Bộ GTVT, phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe sẽ giúp học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cabin tập lái với mục đích sử dụng chỉ có tính chất tham khảo, học lái xe cần phải "văn ôn võ luyện", được chạy trên sa hình, trên thực tế với các tình huống thật sự.

Thậm chí, một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo lái xe còn nêu dẫn chứng rằng, trước đây, một số nước như Hàn Quốc đã trang bị mô hình cabin này nhưng sau cũng bỏ vì không phù hợp. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng Bộ GTVT cần phải sửa lại các quy định, để làm sao phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao cho người học.

Bên cạnh quy định học qua cabin mô phỏng, nhiều thay đổi trong chương trình đào tạo lái xe cũng bị đánh giá là chưa phù hợp. Thậm chí, Hiệp hội vận tải ô tô

Việt Nam còn gửi cả văn bản lên Bộ GTVT chỉ ra nhiều nội dung không phù hợp trong chương trình đào tạo lái xe. Đơn cử như phần lý thuyết lái xe có 5 môn học tuy nhiên trong đó đã có 4 môn học không phù hợp. Hay như việc quy định dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống “Học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh; mọi việc dạy học, truyền đạt kiến thức đều phải diễn ra trên lớp học với 8 giờ mỗi ngày và kéo dài trong 21 ngày”.

“Quy định này rõ ràng không còn phù hợp với đại đa số người đi học (chủ yếu là công chức, viên chức, người lao động.... những người vẫn hằng ngày làm việc tại công sở, nhà máy...), cũng là đi ngược lại yêu cầu thực tiền, xu hướng và thành quả của cuộc cách mạng công nghệ” - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích.

Tương tự, nhiều nội dung trong phần thực hành, hiệp hội này cho rằng rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế dẫn đến nhiều hệ lụy. Đơn cử như quy định khi lái xe trong sân tập lái, hiện nay học viên trung bình chỉ có thể đi được 3,5km/h trong khi quy định bắt buộc phải chạy được trung bình 7km/h; lái xe trên đường giao thông học viên trung bình đi được 35km/h trong khi quy định chỉ cho phép đi trung bình 20,2km/h.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, với số lượng xe tập lái hiện tại đang chạy nườm nượp trên đường giao thông như hiện nay, nếu đi đúng tốc độ trung bình 20,2km/h theo quy định (tương đương tốc độ của một chiếc xe ngựa kéo) thì chỉ riêng áp lực đối với người lái xe vì phải đi quá chậm đã là rào cản rất nguy hiểm cho trật tự an toàn giao thông đường bộ.

“Thực tế, để dạy một người biết lái xe chỉ cần trên dưới 30 giờ thực hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kỳ thi sát hạch được coi là loại hình thi khoa học và minh bạch nhất hiện nay ở Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo. Việc quy định quá nhiều giờ thực hành như hiện nay là khó khăn rất lớn cho các cơ sở đào tạo trong việc tuyển dụng giáo viên; phát sinh chi phí không cần thiết và thời gian cho cả cơ sở đào tạo và người học” - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định.

Cần cuộc “cách mạng” đúng hướng

Các chuyên gia cho rằng, đổi mới công tác đào tạo lái xe là điều tất yếu. Song để công tác đổi mới phát huy được hiệu quả cần có thì đầu tiên phải thay đổi từ tư duy nhận thức rồi từ đó mới có thể hoạch định một lộ trình phù hợp nhất. Hay nói một cách ngắn gọn, công tác đào tạo lái xe cần một cuộc “cách mạng” để làm mới chính mình nhưng cuộc “cách mạng” đó cần làm triệt để và đúng hướng.

Một trong những hướng đổi mới mà Bộ GTVT đang nhắm đến đối với công tác đào tạo lái xe chính là mở rộng “đầu vào” và siết chặt “đầu ra”. Để làm được điều này, đầu tiên cần tiết giảm dần thời lượng đối với phần lý thuyết.

Theo nhiều chuyên gia, việc phần lý thuyết kéo dài, chương trình học tương đối nặng và đặc biệt là quy định học viên phải đến lớp học tập trung, có điểm danh đang là một rào cản khiến nhiều học viên không mấy thiết tha với lớp học. Thực tế ghi nhận đã có không ít người bỏ học giữa chừng vì những lý do này. Đơn cử như, để hoàn thành phần học lý thuyết, học viên học lái xe hạng B2 trở lên phải học tập trung hàng chục buổi, trong khi những nội dung này hoàn toàn có thể giảng dạy qua mạng hoặc cho học viên tự học.

“Đa số người học trong độ tuổi lao động, quỹ thời gian rất eo hẹp nên việc học tập trung rất khó. Do đó, học viên có thể học trực tuyến tại nhà. Vấn đề ở đây là các trung tâm chỉ cần siết chặt đầu ra là khâu sát hạch" - chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định phần lý thuyết lái xe có 5 môn học; trong đó môn cấu tạo và sửa chữa thông thường (18 giờ). Mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe. Hoặc như môn pháp luật giao thông đường bộ (90 giờ): thời lượng nhiều, hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và đối tượng người học.

"Thực tế đa số học viên tự học vì đã có rất nhiều tài liệu và điều kiện tự học. Các cơ sở đào tạo chủ yếu hướng dẫn trên lớp (hoặc học viên tự học) là hoàn toàn nắm được kiến thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu khi thi sát hạch và tham gia giao thông" - ông Nguyễn Văn Quyền nói.

Đồng quan điểm trên, TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông cho biết, hiện nhiều nước phát triển trên thế giới đều để người học gần như tự chủ động trong việc học lấy bằng, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động đào tạo như ở nước ta.

 

 

Công tác đào tạo lái xe cần đổi mới theo hướng quản lý chặt đầu ra là khâu thi sát hạch, chứ không cần giám sát quá trình học. Bởi tại các kỳ thi, nếu chất lượng học không bảo đảm, học viên sẽ không thể đạt kết quả tốt.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

 

Đơn cử như tại Anh, người học thường có thể tự tìm cho mình một người dạy lái xe chuyên nghiệp để có thể thoải mái, yên tâm học lái trong quãng thời gian tối thiểu 45 giờ. Hay như tại tiểu bang Massachusets của Mỹ, người học cũng không bị bắt buộc phải học tại trường mà có thể tự học luật tại nhà và nhờ bạn bè hướng dẫn thực hành lái xe rồi đi thi. Tuy nhiên, đối với công tác sát hạch để cấp GPLX, những quốc gia này đều làm rất chặt, đặc biệt là phần thi thực hành.

Đặc biệt, bài thi trong phần thực hành của họ luôn có độ khó và độ phức tạp rất lớn khi phải lái xe ngoài đường thực tế với rất nhiều tình huống phải xử lý nhanh và chính xác. Đương nhiên, trước khi có thể đến với phần thi thực hành, học viên sẽ phải vượt qua phần thi lý thuyết.