Đào tạo y khoa: Chỉ nên đầu tư vào trường trọng điểm

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đề xuất của Bộ Y tế rút ngắn thời gian đào tạo y khoa còn 5 năm, TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, không đơn giản cắt giảm số năm mà căn cứ thực tế chuẩn đạt được trong đào tạo.

Số năm - căn cứ vào nhiều yếu tố
TS có đồng tình với đề xuất của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) giảm thời gian đào tạo y khoa còn 5 năm, thay vì 6 năm như hiện nay không?
- Ngành y không giống các ngành khác có thể tự đào tạo được, do vậy phải thực hành lâm sàng. Trong đào tạo y học hiện nay, điểm quan trọng nhất là phải xác định chuẩn đầu ra cụ thể, rõ ràng, đong đếm bằng các chỉ số và phản ánh được kiến thức, kỹ năng, thái độ của người bác sĩ khi ra trường. Thứ nữa, rèn luyện cho sinh viên về thực hành để đảm bảo cả chuyên môn và đạo đức. Cho nên, việc xem xét thời gian đào tạo ngành y không đơn giản chỉ là cắt giảm số năm mà phải căn cứ vào vấn đề thực tế trong quá trình đào tạo đạt được.
Trong đào tạo ngành y đang có nhiều vấn đề, cả về hệ thống quy trình, quy chuẩn thời gian, môi trường đào tạo cho sinh viên hiện nay. Đặc biệt là người thầy hướng dẫn sinh viên thực hành ở bệnh viện và cộng đồng. Không chỉ thế, hiện nay công nghệ mới đang phát triển và thời gian tới sẽ có một số công việc ở ngành y sẽ bị thay thế bởi robot, chẳng hạn như bác sĩ ngoại khoa.
Đã từng giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là nghiên cứu viên sức khỏe quốc tế Takemi (Đại học Y tế công cộng Harvard), TS có đánh giá gì về chất lượng đào tạo ngành y đa khoa hiện nay?
- Điểm trúng tuyển của trường Đại học Y Hà Nội thuộc top đầu nhưng đầu ra rất chênh lệch và khác biệt. Thông tin từ các thầy cô giáo trong trường và chúng tôi trực tiếp phỏng vấn các sinh viên của trường cho thấy mấy vấn đề. Thứ nhất, về mặt lâm sàng, một số em được thực hành tốt nhưng phần đông không đạt được các yêu cầu chuyên môn  bởi chỉ được đi xem bác sĩ điều trị. Thứ hai, các em vẫn có tư duy máy móc là học thuộc lòng, còn triết lý đào tạo một bác sĩ ra trường phục vụ bệnh nhân và quan điểm về sức khỏe cũng như nguyên căn bệnh tật còn hổng rất nhiều. Cho nên, có thể nói 6 năm đào tạo bác sĩ y đa khoa vẫn chưa đạt yêu cầu. Thứ ba, công nghệ đang rất phát triển nhưng yếu tố tăng cường khả năng tự học, mở rộng các nguồn thông tin cho sinh viên lựa chọn cũng như dạy cho họ phương pháp tư duy đọc và phân tích tài liệu là yêu cầu rất cần trong thời gian đầu song chúng ta lại rất yếu. Khi về tham dự các hội nghị khoa học và hướng dẫn sinh viên, tôi thấy về cơ bản không có dấu ấn tốt trong đào tạo y khoa thời gian qua.
Cần bác sĩ thực sự giỏi
Vậy, đầu vào ngành y đa khoa của các đại học địa phương thấp hơn rất nhiều so với Đại học Y Hà Nội, liệu chất lượng đào tạo có đảm bảo yêu cầu?
- Tới đây, khi làm việc, các bác sĩ sẽ phải chịu thử thách hết sức nặng nề. Thông tin các bác sĩ quyết định đưa ra dựa trên kiến thức của mình thì phần lớn người dân có thể tra khảo được trên mạng chỉ bằng điện thoại cầm tay. 5 – 10 năm nữa, người máy tham gia vào sàng lọc bệnh tật, làm việc như một bác sĩ đa khoa sẽ rất phổ biến. Cho nên chúng ta không nên đào tạo nhiều chỉ tiêu bác sĩ. Ngành y đòi hỏi chất lượng cao và yêu cầu bác sĩ càng ngày cần có tư duy tổng hợp và có những kỹ năng, kiến thức, cho nên rất cần những người phải thực sự giỏi. Muốn như thế, tôi nghĩ chỉ nên tập trung đầu tư vào một số trường đầu ngành để các giảng viên được hoạt động, giảng dạy tiến kịp với khoa học về giáo dục y học hiện đại. Trong môi trường đó, các sinh viên thực sự được học tập, làm việc để những kiến thức, kỹ năng, đạo đức và tiếp cận công nghệ thông tin mang tính toàn cầu hoá.
Chương trình đào tạo ngành y đa khoa sẽ phải thay đổi thế nào để theo kịp sự phát triển?
- Chúng ta không thể thiết kế một chương trình đào tạo cho tất cả các ngành y. Cần phải có một đội ngũ chuyên gia chuyên trách, dày công để định ra chương trình và cải cách chế độ đào tạo ngành y là một hoạt động khoa học nghiêm túc, cụ thể mới có thể cải cách giáo dục thực chất.
 Chúng ta đang ở cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ông có đề xuất gì đối với đào tạo y đa khoa?
- Hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh và chắc chắn robot sẽ tham gia vào tiến trình đào tạo cũng như cung cấp dịch vụ. Đây sẽ là thách thức đối với dịch vụ y tế. Sản phẩm của chúng ta tạo ra sẽ bị cạnh tranh nhiều với các robot y tế.  Muốn tồn tại được, các nước đang phát triển không còn cách nào khác là phải xây dựng đội ngũ bác sĩ đúng thực chất giải quyết vấn đề của đất nước mình. Những cái nào là mô hình hoá và có thể giao được cho robot làm thì chúng ta buông ra. Những vấn đề xét nghiệm, các xét nghiệm tự động đôi khi không cần bệnh viện mà robot hoàn toàn có thể đảm đương. Do đó, đòi hỏi một cuộc cách mạng rất lớn trong ngành y. Tất nhiên, không thể nói quy hoạch trường y mà chỉ có thể thông báo sản phẩm khoa học tới đây là gì để họ tự lập.
Xin cảm ơn TS! 
Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi: Việc rút ngắn chỉ áp dụng với một ngành
Một trong những lý do dẫn đến việc thay đổi thời gian đào tạo ngành y khoa còn 5 năm là nhằm đảm bảo công bằng, phát huy thuận lợi cho người học khi tham gia thị trường lao động.Theo đề xuất, thời gian đào tạo ngành y khoa, răng hàm mặt... không phải là 6 năm như hiện tại mà được rút xuống 5 năm. Còn chương trình đào tạo đại học cấp bằng cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, kỹ thuật y học, các cử nhân khác sẽ kéo dài 4 năm. Tuy nhiên, để hành nghề bác sĩ người học mất 8 năm mới ra hành nghề, vì sau khi tốt nghiệp, thời gian thực hành nghề nghiệp trước khi chính thức được công nhận là bác sĩ kéo dài đến 3 năm, quy định hiện nay là 7 năm rưỡi. Như vậy, việc rút ngắn chỉ áp dụng với một ngành, còn để hành nghề bác sĩ thì thời gian đào tạo tăng lên chứ không phải giảm đi. (Trần Nga ghi)
Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Chưa thấy nước nào làm như thế
Rút ngắn thời gian đào tạo y khoa từ 6 năm xuống 5 năm sẽ không có vấn đề nếu chúng ta giảm lý thuyết và tăng cường thời lượng thực hành. Hiện nay, tùy từng nước, có quốc gia đào tạo 5 năm là xong đại học y khoa, có nước 6 năm nhưng có quốc gia lại kéo dài tới 7 năm. Nhưng, vấn đề, mục tiêu chương trình đạt được là gì, đặc biệt là năng lực thực hành, các kỹ năng phát hiện bệnh mới là điều quan trọng.
Nhưng, nếu Bộ Y tế đề xuất rút ngắn 1 năm để khi tốt nghiệp có bằng tương đương thạc sĩ thì không thể được bởi đào tạo sẽ giảm chất lượng. Thời gian đào tạo 5 năm chỉ đạt được trình độ bác sĩ, còn muốn thạc sĩ thì phải thêm ít nhất 2 năm chuyên sâu giống như chuyên khoa I khi có kinh nghiệm mới làm được việc. 5 năm để có bằng thạc sĩ, có nghĩa chỉ 3 – 4 năm là tốt nghiệp đại học y khoa thì tôi chưa thấy có nước nào làm như thế. (Oanh Trần ghi)