Hà Nội:

Đặt mục tiêu Chỉ số SIPAS đạt trên 83% mức độ hài lòng của người dân

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về duy trì, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 của thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kế hoạch nêu rõ, năm 2022, Chỉ số PAR INDEX của thành phố đạt 89,58%, tăng 7 bậc so với năm 2021, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số SIPAS đạt 80,16%, tiếp tục xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Để duy trì, nâng cao Chỉ số PAR INDEX; cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tiếp tục duy trì các chỉ số, chỉ số thành phần đạt kết quả cao; cải thiện, nâng cao các chỉ số, chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, đạt điểm thấp.

Cùng với đó, phấn đấu Chỉ số PAR INDEX của thành phố năm 2023 nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước; Chỉ số SIPAS tiếp tục có sự cải thiện cả về tỷ lệ hài lòng chung và thứ bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS đạt trên 83% mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Để làm tốt việc này, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, đặc biệt là các cơ quan chủ trì tham mưu các nội dung, lĩnh vực trong Chỉ số PAR INDEX cấp tỉnh, Chỉ số SIPAS đánh giá đúng kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý. Triển khai hệ thống các giải pháp, khắc phục ngay những tiêu chí, tiêu chí thành phần bị trừ điểm, nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS năm 2023 của thành phố.

UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn số 1802/UBND-KSTTHC về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo đó, để làm tốt việc này, các sở, ban, ngành tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính hoặc kiến nghị bộ, ngành chủ quản việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ mới phát sinh; nghiên cứu, đề xuất việc tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện thủ tục hành chính; khẩn trương thực hiện việc rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tích hợp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.

UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện thống kê, rà soát, cắt giảm đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính...