Dấu ấn Trung Quốc tại Đông Nam Á với các dự án đường sắt thế kỷ

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những dự án đường sắt cao tốc với sự hỗ trợ từ Trung Quốc đã và đang được hình thành tại Đông Nam Á cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với Bắc Kinh.

Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt trên khắp Đông Nam Á, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ đất nước này đến các đối tác quan trọng.

Theo các chuyên gia, như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kế hoạch này sẽ giúp hành khách chỉ mất 30 tiếng đồng hồ di chuyển quãng đường dài 3.218 km từ vùng Tây Nam Trung Quốc đến Singapore.

Dự án đường sắt Trung-Lào bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021. Ảnh: CNN
Dự án đường sắt Trung-Lào bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021. Ảnh: CNN

Vào cuối năm 2021, đường sắt cao tốc Trung-Lào đã bắt đầu vận hành thương mại, nối trung tâm thành phố Côn Minh, phía Tây Nam Trung Quốc với Thủ đô Vientiane của Lào. Từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đã góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch Trung Quốc đến với quốc gia Đông Nam Á, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, dự án đường sắt đang được triển khai tại Thái Lan, nhằm kết nối tuyến Lào-Trung với Thủ đô Bangkok, có nguy cơ bị chậm trễ tiến độ cũng như đối mặt với thách thức từ chi phí tăng cao.

Ban đầu, Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào năm 2026, tuy nhiên do những thách thức về tài chính cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian hoàn thành bị đẩy lùi thêm ít nhất 3 năm, tới 2029.

Sau khi hoàn thành tại Thái Lan, dự án sẽ tiếp tục mở rộng đến phía Bắc Malaysia, với việc kết nối đến Thủ đô Kuala Lumpur trước khi kéo dài thêm 350 km nữa về phía Nam Singapore.

Quốc gia tỷ dân cũng ghi đậm dấu ấn với việc hỗ trợ Indonesia xây dựng và vận hành chuyến tàu cao tốc tại Đông Nam Á nối thủ đô Jakarta và TP Bandung ở Tây Java, một trong những thành phố lớn nhất nước này cũng như là trung tâm văn hóa, nghệ thuật quan trọng.

Nhà phân tích xu hướng tiêu dùng và du lịch Gary Bowerman, người sáng lập công ty du lịch Check-in Asia, cho biết: “Trung Quốc tự hào có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới và các công ty của nước này từ lâu đã tìm cách xuất khẩu công nghệ về cơ sở hạ tầng sang nước khác. Đông Nam Á là một ưu tiên do khu vực này gần Trung Quốc”.

“Kết nối nhiều thành phố tại Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á khác bằng đường sắt sẽ giúp việc di chuyển đến các địa điểm trở nên thuận lợi hơn” – chuyên gia này cho biết.

Sức hấp dẫn của Đông Nam Á

Các chuyên gia nhận định Đông Nam Á từ lâu là đã thu hút khách du lịch Trung Quốc bằng nét văn hóa cổ kính, từ những ngôi đền có lịch sử hàng trăm năm ở Lào, bãi biển hoang sơ ở Thái Lan, đến những khu rừng nhiệt đới và các tour du lịch sinh thái tại Malaysia.

Nhà kinh tế chính trị Pon Souvannaseng, chuyên gia tại Đại học Bentley ở Mỹ, cho biết: “Trung Quốc xem Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu trọng điểm cũng như là khu vực có vai trò quan trọng về an ninh và chính trị. Không những vậy, việc đông đảo cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại khu vực này cũng là một điểm đang chú ý”.

Du khác Trung Quốc thăm Đền Emerald Buddha, Thái Lan. Ảnh: CNN
Du khác Trung Quốc thăm Đền Emerald Buddha, Thái Lan. Ảnh: CNN

“Những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Penang và Malacca tại Malaysia và Phố cổ Phuket, với những ngôi chùa và kiến trúc được xây dựng bởi người nhập cư Trung Quốc, đang rất được du khách quốc gia tỷ dân ưa chuộng do những liên kết lịch sử và văn hóa” – bà cho biết.

Chuyên gia này nói thêm ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc thực hiện các chuyến du lịch bằng đường sắt đến Đông Nam Á do những tiện nghi của loại hình vận chuyển này.

Pan Wenbo, một nhân viên an ninh 30 tuổi từ Bắc Kinh cho biết anh đã thực hiện chuyến đi bằng tàu hỏa qua nhiều quốc gia Đông Nam Á, do chi phí rẻ cũng như có thể ngắm cảnh trên đường đi. Pan đã đến thăm Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Philippines trong 5 năm qua, đồng thời cho biết kế hoạch khám phá các quốc gia khác trong khu vực.