Xã Ninh Sở, huyện Thường Tín

Dấu hỏi trong việc thu hồi đất mở rộng nghĩa trang thôn Sở Hạ

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lấy lý do bảo vệ nghĩa trang cổ, lãnh đạo thôn Sở Hạ (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) đã huy động máy xúc, nhân lực đến cưỡng chế thu hồi đất, phá hủy hoa màu của người dân… khi không có thông báo, quyết định cưỡng chế của đơn vị có thẩm quyền.

Cưỡng chế không có quyết định

Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn kiến nghị của ông Đặng Quang Khanh (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) phản ánh việc lãnh đạo thôn Sở Hạ tổ chức phá hủy hoa màu, thu hồi đất sai quy định, vượt thẩm quyền, không thông báo cho gia đình người bị thu hồi bằng văn bản cụ thể.

Thôn Sở Hạ huy động máy móc cưỡng chế đất, phá huỷ hoa màu của gia đình ông Đặng Quang Khanh tại thời điểm đầu tháng 3/2022. Ảnh bạn đọc cung cấp.
Thôn Sở Hạ huy động máy móc cưỡng chế đất, phá huỷ hoa màu của gia đình ông Đặng Quang Khanh tại thời điểm đầu tháng 3/2022.
Ảnh bạn đọc cung cấp.

Ông Đặng Quang Khanh cho biết được bố mẹ cho một thửa đất ở thôn Sở Hạ. Trên mảnh đất này, gia đình đã xây dựng nhà và tiến hành đổ đất, san lấp hố để trồng hoa màu từ nhiều năm nay và đã đóng thuế sử dụng đất 1 năm. “Năm 2011, gia đình tôi đã đóng và nộp tiền thuế đất cho mảnh đất này. Song đến năm 2013, do không có nhà ở nên thôn Sở Hạ đã không cho đóng thuế tiếp (?)” – ông Đặng Quang Khanh cho biết.

Đến đầu tháng 8/2015, lãnh đạo thôn Sở Hạ đã huy động máy xúc đến phá hủy cây cối của gia đình. Tại thời điểm trên, gia đình đã kiên quyết không đồng ý và ngăn cản nên việc cưỡng chế phải dừng lại. Và từ thời điểm đó đến đầu tháng 3/2022, gia đình ông Khanh vẫn sử dụng yên ổn mảnh đất này.

Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2022, cán bộ thôn Sở Hạ tiếp tục huy động máy móc, nhân lực đến phá hủy hoa màu, tổ chức cưỡng chế đất. “Mảnh đất trên, gia đình tôi đã khai hoang, phục hóa từ năm 1990 đến nay, trong quá trình sử dụng không có tranh chấp. Thế nên, việc lãnh đạo thôn Sở Hạ tiến hành phá hủy hoa màu, cưỡng chế thu hồi đất khi không có quyết định của UBND huyện Thường Tín, không thông báo bằng văn bản cho người dân… khiến gia đình tôi rất bức xúc” – ông Đặng Quang Khanh cho biết.

Tiền hậu bất nhất

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Quang Ánh – Trưởng thôn Sở Hạ, xã Ninh Sở cho biết, đây không phải cưỡng chế, việc thu hồi đất này không phải bây giờ mới làm mà đã được UBND xã Ninh Sở thực hiện cách đây vài năm nhưng lại bỏ dở. Mặt khác, trước khi làm đã báo cáo xã. Và UBND xã có cử địa chính, công an xuống để thực hiện.

Hiện trạng khu đất của gia đình ông Đặng Quang Khanh.
Hiện trạng khu đất của gia đình ông Đặng Quang Khanh.

Ông Tạ Minh Tùng – Cán bộ địa chính xã Ninh Sở cho biết, mảnh đất nằm trong khu vực đang xảy ra tranh chấp, trước đây là cái ao của một gia đình. Gia đình đó đã tiến hành san lấp cách đây nhiều năm và chia cho các con. Sau đó, những người này lại chia cho các con cháu đời tiếp theo (trong đó có gia đình ông Khanh - PV). Ranh giới mảnh đất này với nghĩa trang cổ của thôn Sở Hạ đã được thể hiện rõ trong bản đồ địa chính của xã Ninh Sở.

Khi được hỏi, phần đất của gia đình ông Khanh có phải là đất nghĩa trang cổ thôn Sở Hạ hay không?. Ông Tạ Minh Tùng khẳng định: "Mảnh đất đó là của gia đình người ta, có số tờ, số thửa, diện tích cụ thể không phải là đất nghĩa trang cổ thôn Sở Hạ".

Thế nhưng, dù không phải là đất nghĩa trang, gia đình ông Khanh đã sử dụng lâu dài, ổn định nhưng không hiểu vì sao khi tổ chức phá dỡ, thu hồi đất, các đối tượng có liên quan lại không hề có thông báo bằng văn bản theo quy định.

Đề cập đến việc thôn Sở Hạ tự ý phá hủy hoa màu, tổ chức cưỡng chế đất khi chưa có quyết định của UBND huyện Thường Tín, ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch UBND xã Ninh Sở cho biết, gia đình ông Khanh chỉ được phép sử dụng trong diện tích đất của ông cha để lại, còn phần diện tích đất của nghĩa trang cổ thì không được phép. Đây cũng không phải là cưỡng chế, thu hồi.

Cũng tại buổi làm việc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, cán bộ địa chính xã Ninh Sở khẳng định phần đất đang xảy ra tranh chấp trong quá trình mở rộng nghĩa trang không nằm trong ranh giới đất nghĩa trang. Đất của ông cha để lại đã được thể hiện bằng số tờ, số thửa, diện tích trong bản đồ địa chính của xã.

Vậy, gia đình ông Khanh phải chứng minh điều gì? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.