Dầu mỏ Iran làm khó nỗ lực giải cứu giá của OPEC+

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng dầu xuất khẩu của Iran tăng kỷ lục trong tháng 5/2023 đang đe dọa nỗ lực cắt giảm nguồn cung nhằm vực dậy giá “vàng đen” của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn được gọi là nhóm OPEC+.

Theo tờ Bloomberg, Iran ghi nhận lượng dầu thô xuất khẩu lớn nhất trong gần 5 năm, củng cố sự tái xuất của nước Cộng hòa Hồi giáo trên khía cạnh địa chính trị, đồng thời gây rủi ro cho thị trường dầu thô toàn cầu vốn đang mong manh.

Sản lượng dầu Iran tăng mạnh

Xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 5 vừa qua đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Almasirah
Xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 5 vừa qua đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Almasirah

Theo một loạt các cơ quan phân tích thị trường, bao gồm Kpler, SVB Energy International, FGE và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 5 vừa qua đạt mức cao nhất kể từ khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran vào năm 2018.

Báo cáo của Công ty theo dõi thị trường Kpler cho biết, xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng gấp đôi kể từ mùa thu năm ngoái và đạt mức 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 5, ngay cả khi lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn còn hiệu lực.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính sản lượng dầu thô của Iran trong tháng trước đạt 2,9 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ cuối năm 2018. Trong khi đó, các nhà tư vấn SVB Energy, Petro-Logistics SA và FGE dự đoán sản lượng có thể đã vượt 3 triệu thùng/ngày.

Theo thông tin từ OPEC, Iran thông báo sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 5/2023 đã tăng lên trên 3 triệu thùng/ngày. Con số này tương đương khoảng 3% nguồn cung toàn cầu và cao hơn nhiều so với mức 2,5 triệu thùng/ngày - cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Dòng chảy dầu kỷ lục từ Iran có nguy cơ làm mất cân bằng cung-cầu trong bối cảnh thị trường dầu mỏ vốn đang suy yếu do tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại và nguồn cung giá rẻ của Nga. Điều này làm ảnh hưởng nỗ lực cắt giảm sản lượng của các đối tác Iran trong liên minh OPEC+ nhằm chấm dứt đà giảm của giá dầu thô.

Trước đó, vào ngày 4/6, liên minh OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Gần đây, Ả Rập Saudi cũng thông báo mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7, dẫn đến đợt phục hồi ngắn hạn của giá dầu. Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” nhanh chóng giảm do lo ngại về đà phục hồi của Trung Quốc.

Các lô hàng dầu mỏ từ Iran, cùng với dầu thô từ Nga và Venezuela, đang gây sức ép lên thị trường nhiên liệu toàn cầu. Giá dầu thô hiện đã giảm 12% kể từ đầu năm đến nay, xuống còn 75 USD/thùng.

Nhu cầu từ Trung Quốc

Phần lớn dầu thô xuất khẩu của Iran có đích đến là Trung Quốc, khi các nhà máy lọc dầu tại quốc gia này săn đón các thùng dầu được Iran giảm giá nhằm tăng lợi nhuận.

Đáng chú ý, dữ liệu chính thức của Trung Quốc không cho thấy bất kỳ lô hàng dầu thô nhập khẩu nào từ Iran trong năm qua. Thay vào đó, lượng mua tăng vọt từ Malaysia, nơi các lô hàng của Iran thường được chuyển sang tàu khác để che giấu nguồn gốc, theo tiết lộ của ông Sara Vakhshouri - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn năng lượng chiến lược SVB.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Iran đã phải hạ giá dầu để có thể cạnh tranh với khối lượng lớn dầu của Nga đã bị các nước châu Âu từ chối, theo ông Iman Nasseri - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn năng lượng FGE có trụ sở tại Dubai.

Nhà phân tích Greg Brew tại Eurasia Group cho biết: “Việc Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Iran bằng cách chấp nhận nhập dầu đang chịu các lệnh trừng phạt cho thấy mối quan hệ Iran - Trung Quốc đã có dấu hiệu cải thiện. Tất cả những điều này càng củng cố quan điểm rằng Iran đang dần khôi phục lại vị thế địa chính trị, nhất là khi Tehran đang tiến tới bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực”.

Điều đáng ngạc nhiên là sự phục hồi của ngành dầu thô Iran dường như được Mỹ “bật đèn xanh”, bằng cách ngầm cho phép xuất khẩu các thùng dầu từ quốc gia nhằm làm ổn định giá nhiên liệu toàn cầu. Việc “nhắm mắt làm ngơ” của Washington cũng có lợi khi hai quốc gia đang tìm cách xây dựng một kênh ngoại giao.

Bất chấp các dự báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2023, các nhà giao dịch vẫn tỏ ra hoài nghi khi lượng dầu thô của Iran đổ ra thị trường ngày càng nhiều.

Nhà phân tích Tamas Varga của Công ty môi giới PVM Oil Associates Ltd. ở London, cho biết: “Thị trường đang xuất hiện tâm lý lo ngại về nguy cơ dư cung dầu mỏ trong thời gian tới do sản lượng của Iran tăng cao”.