Đầu tàu kinh tế châu Âu đứng trước triển vọng kinh tế "u ám"

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát cao, tổng sản phẩm quốc nội sụt giảm và muôn vàn thách thức khác đang "dày xéo" triển vọng tăng trưởng kinh tế của Berlin.

Nền kinh tế số một châu Âu bị đánh giá là một trong những nền kinh tế hoạt động yếu nhất thế giới, sau khi số liệu vào hôm thứ Hai cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2023 giảm 0,3%, phần lớn do lạm phát cao, lãi suất và chi phí năng lượng tăng.

Vốn đã phải gánh chịu sự suy thoái nghiêm trọng vào năm 2023, nền kinh tế Đức giờ đây đang trải qua muôn vàn khó khăn chồng chất, phần lớn từ các cuộc đình công trên toàn quốc liên quan đến giờ làm việc, cũng như biểu tình của nông dân phản đối việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.

Nền kinh tế số một châu Âu vẫn đang đối mặt với muôn vàn thách thức. Ảnh: The Financial Times
Nền kinh tế số một châu Âu vẫn đang đối mặt với muôn vàn thách thức. Ảnh: The Financial Times

Ruth Brand, chủ tịch văn phòng thống kê liên bang Đức cho biết: “Tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2023 đã chững lại khi các cuộc khủng hoảng liên tục xảy ra”.

Doanh số bán lẻ, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của nền kinh tế số một châu Âu đều giảm trong năm ngoái. Các hộ gia đình đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ một trong những đợt gia tăng chi phí sinh hoạt lớn nhất lịch sử nước này. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất của Đức cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng cao và nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Văn phòng thống kê cho biết, tiêu dùng hộ gia đình đã giảm 0,8% trong năm ngoái, thấp hơn 1,5% so với mức trước đại dịch. Tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, không bao gồm lĩnh vực xây dựng, cũng giảm 2% trong 2023. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ giảm 1,7% do các biện pháp hỗ trợ từ giai đoạn đại dịch bị gỡ bỏ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng của Đức dự kiến sẽ đạt 0,6% trong năm nay. Tuy vậy, mức tăng trên cũng sẽ không giúp nước này thoát khỏi việc bị đánh giá là một trong những nền kinh tế yếu nhất thế giới. Bên cạnh đó, một số chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng, sau khi Berlin buộc phải cắt giảm chi tiêu. Điều này diễn ra khi chính phủ phải tìm kiếm nguồn thu để bù vào khoảng trống ngân sách, hệ quả từ việc Tòa án Hiến Pháp bác đề xuất của Berlin chuyển 60 tỷ euro từ quỹ đối phó đại dịch Covid-19 sang dành cho Quỹ Khí hậu và Chuyển đổi (KTF).

Andrew Kenningham, chuyên gia tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Tình trạng suy thoái kể từ cuối năm 2022 có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay”. Ông dự đoán GDP Đức sẽ chứng kiến mức tăng trường bằng 0 vào năm 2024.

Không chỉ Đức, các số liệu cũng cho thấy khả năng suy thoái chung của khu vực đồng euro trong quý IV/2023, với việc sản xuất công nghiệp giảm ba tháng liên tiếp, kể từ tháng 9.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Đức là nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả nhất trong năm 2023. Gần đây, tổ chức này đã dự báo về mức tăng trung bình 1,5% của các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2023, trong khi khu vực nền kinh tế mới nổi đạt mức tăng ấn tượng 4%.

Các dữ liệu của EU cho thấy việc sản lượng các nhà máy tại Đức và Ý giảm đã kéo theo sự sụt giảm của toàn bộ khu vực đồng euro, với mức giảm 0,3% trong tháng 11 so với một tháng trước đó.

Tuy vậy, các nhà kinh tế kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng tại Đức sẽ tăng trong năm nay khi sức mua của hộ gia đình phục hồi nhờ tiền lương tiếp tục tăng mạnh và tỷ lệ lạm phát chậm lại.

Lạm phát tại Đức đã giảm từ mức trên 11% vào cuối năm 2022 xuống mức thấp nhất 2,3% vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, giá tiêu dùng vẫn cao hơn 20% so với mức trước đại dịch và lạm phát tăng lên 3% trong tháng 12 sau khi chính phủ loại bỏ trợ cấp năng lương.

Ông Brand cho biết: “Mặc dù đã giảm trong thời gian gần đây, việc giá cả vẫn cao trong nhiều thời điểm đã cản trợ sự tăng trưởng kinh tế”.

Bên cạnh đó, chi phí vay đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định tăng lãi suất lên 4% để giảm lạm phát, tác động đến nhu cầu ngành công nghiệp và khiến giá nhà ở Đức giảm 10%.