Đầu tư bãi đỗ xe ngầm: Dùng ngân sách là khả thi nhất

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ - UBND ngày 8/4/2022 của UBND TP, từ nay đến năm 2050 Hà Nội sẽ có 73 bãi đỗ xe ngầm.

Tuy nhiên, mục tiêu đó rất khó đạt được, khả thi nhất là dùng ngân sách để đầu tư.

Đắt đỏ, khó sinh lời

Hà Nội là một đô thị lớn về quy mô dân số cũng như phương tiện giao thông. Nhiều khu vực trong nội đô TP đã hình thành những mảng đặc công trình, nhà ở của dân cư; quỹ đất dành cho giao thông gần như không còn nữa. Muốn xây dựng các bãi đỗ xe công cộng, tất yếu phải tính đến việc khai thác không gian ngầm, hoặc làm bãi đỗ xe cao tầng.

Bãi xe ngầm Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngân Tuyền
Bãi xe ngầm Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngân Tuyền

Định hướng đó đã được Hà Nội xác định rõ từ lâu, nhưng việc đưa các dự án bãi đỗ xe ngầm từ quy hoạch vào thực tế lại vô cùng khó khăn. Đến nay, TP mới có một bãi đỗ xe ngầm duy nhất tại Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm nhưng dự án cũng lay lắt, chắp vá. Có thể nói mục tiêu đến năm 2050 có 73 bãi đỗ xe ngầm sẽ bất khả thi nếu TP không thay đổi cách làm với các dự án.

Nhiều năm qua, một số dự án bãi đỗ xe ngầm đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư như: bãi đỗ xe ngầm dưới Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), Công viên Thủ Lệ, sân vận động Quần Ngựa (quận Ba Đình)… Nhưng tất cả các dự án đều không triển khai được, mà nguyên nhân lớn nhất là suất đầu tư quá lớn trong khi phương án thu hồi vốn không khả thi.

Các nhà đầu tư phải bỏ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư bãi đỗ nhưng doanh thu từ trông giữ xe quá thấp, sẽ phải mất hàng trăm năm mới thu hồi vốn. Trong khi đó, diện tích đất được sử dụng kinh doanh thương mại dịch vụ lại quá nhỏ, chịu nhiều quy ước ngặt nghèo. Bởi vậy, suất đầu tư vào bãi đỗ xe ngầm được xem là đắt đỏ, không hiệu quả, không hấp dẫn được nhà đầu tư ngay cả khi HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết cho tăng tỷ lệ sử dụng đất thương mại tại các bãi đỗ xe ngầm cao gấp 2 - 3 lần bãi đỗ nổi.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, ngân sách TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông, nguồn lực chính được hướng tới là đầu tư xã hội hóa. Nhưng sự chuyển biến trong cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư lại chậm chạp, thận trọng, dẫn đến các dự án bãi đỗ xe ngầm trở thành sản phẩm “ế ẩm”, giậm chân tại chỗ qua rất nhiều năm, trong khi nhu cầu của người dân lại gia tăng từng ngày.

Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội phải có sự tính toán lại, tìm hướng đi cho các dự án bãi đỗ xe ngầm, đặc biệt trong khu vực lõi đô thị. Với 73 bãi đỗ xe ngầm theo quy hoạch, sẽ phải tốn đến hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là con số không nhỏ, nhưng TP phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quyết tâm chuyển hướng sang đầu tư bằng ngân sách. Nếu không thể đầu tư tất cả bằng ngân sách, ít nhất cũng phải chuyển một số dự án tại các khu vực công viên, vườn hoa, quảng trường… sang sử dụng ngân sách, sau đó đấu giá quyền khai thác để thu hồi lại vốn, tái đầu tư cho các công trình khác.

Đấu giá quyền khai thác

Mới đây tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cũng đã đặt vấn đề đầu tư một số bãi đỗ xe ngầm tại các khu vực công viên, vườn hoa bằng ngân sách. Đây là giải pháp thiết thực cần được gấp rút xem xét.

Trên thực tế, không ít công trình kết cấu hạ tầng giao thông của TP đã chuyển hướng sang sử dụng ngân sách sau khi rơi vào bế tắc nhiều năm. Do cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư thu hồi vốn còn chưa thực sự hấp dẫn, hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) bộc lộ nhiều bất cập nên Nhà nước đã thay đổi cách thức triển khai. Hiện các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội đang thu gom đất công, đấu giá quyền sử dụng, lấy nguồn đó đầu tư cho hạ tầng. Nhưng nguồn vốn đó cũng không phải là vô hạn.

Đối với các dự án bãi đỗ xe ngầm, nếu sử dụng ngân sách đầu tư sẽ có thể nhanh chóng triển khai, đưa vào sử dụng, giải tỏa áp lực thiếu nơi gửi xe cho người dân Hà Nội. Đáp ứng được nhu cầu giao thông tĩnh cũng sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giảm ùn tắc giao thông, góp phần giữ gìn trật tự, văn minh đô thị. Và quan trọng hơn, có các bãi đỗ xe được đầu tư, quản lý, vận hành bài bản, nguồn lợi từ giao thông tĩnh sẽ được kiểm soát, chảy vào ngân sách chứ không thất thoát như hiện nay.

Hà Nội có thể rà soát, lập ra một danh mục rút gọn các dự án bãi đỗ xe ngầm khả thi và cấp bách nhất, dùng ngân sách đầu tư. Sau khi hoàn thành sẽ đấu giá quyền khai thác, các nhà đầu tư không phải bỏ vốn xây dựng, được tạo điều kiện kinh doanh nhưng phải nộp tiền vào ngân sách. Chắc chắn bài toán đầu tư như vậy sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Việc đầu tư ban đầu lớn, thu hồi chậm sẽ tạo áp lực nhất định lên ngân sách TP nhưng bù lại sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân, giải quyết vấn đề đô thị của Hà Nội.

Nếu muốn nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư hơn, TP còn có thể xem xét tăng giá trông giữ xe trong khu vực nội đô lên cao hơn nữa. Đây cũng là một biện pháp nhằm hạn chế xe cá nhân lưu thông mà nhiều đô thị ở các nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Bên cạnh đó, sau một thời gian khai thác, TP có thể nghiên cứu bán lại dự án cho các nhà đầu tư cũng theo hình thức đấu giá, mục tiêu là để có thêm tiền tái đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm khác.

 

Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, sử dụng ngân sách đầu tư dần các dự án bãi đỗ xe ngầm là một trong những hướng đi khả thi nhất cho Hà Nội. Nếu nhanh chóng, quyết liệt thực hiện, TP còn tránh được nhiều hệ lụy từ việc “treo” quy hoạch để rồi phải điều chỉnh, tính toán lại từ đầu như nhiều dự án giao thông đang gặp phải hiện nay.