Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên: Điểm nhấn kiến trúc mới của Hà Nội

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo định hướng quy hoạch, khu vực phía Bắc sông Hồng trong tương lai sẽ là khu vực phát triển đô thị quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực này hiện đang gặp nhiều khó khăn, do hệ thống giao thông kết nối với trung tâm Hà Nội và khu vực lân cận không thuận lợi.

Phối cảnh tổng thể cầu Tứ Liên.
Điểm kết nối giao thông quan trọng
Theo Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Tứ Liên là một trong số 18 công trình đường bộ vượt qua sông Hồng, nằm giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, cách cầu Long Biên khoảng 3km về phía thượng lưu, cách cầu Nhật Tân khoảng 4km về phía hạ lưu. Mới đây, Hà Nội đã công bố phương án kiến trúc cầu Tứ Liên, đồng nghĩa một cây cầu hiện đại, kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3, khu vực đô thị của huyện Đông Anh với trung tâm TP sẽ sớm hình thành. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc sông Hồng, mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.
Sau nhiều lần xem xét tuyển chọn, chấm chọn các phương án thiết kế do các đơn vị tư vấn lập, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP đã duyệt phương án thiết kế cầu Tứ Liên của Công ty TNHH Quốc tế T.Y.Lin đề xuất. Theo đánh giá, việc nghiên cứu thiết kế đã được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định, bảo đảm để lựa chọn được phương án thiết kế chất lượng, khả thi đưa vào triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh
Theo phương án được TP phê duyệt, khu vực xây dựng cầu Tứ Liên với điểm đầu dự án kết nối với đường quy hoạch dọc đê hữu Hồng, thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và đường dẫn vào đường Nghi Tàm thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Điểm cuối dự án kết nối với trục đường quy hoạch trục cầu Thường Cát – cầu Vĩnh Tuy – cầu Thanh Trì và trục đường Tứ Liên – Cổ Loa – Vành đai, thuộc địa phận xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, đây là khu vực nằm phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội. Cầu có nhịp chính bắc qua sông Hồng nối liền bờ phía Tây là địa phận phường Yên Phụ, quận Tây Hồ với dân cư đông đúc dọc tuyến Âu Cơ – Nghi Tàm. Đây là tuyến đường có lưu lượng giao thông cao do đang là đường trục chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương. Bờ phía Đông sông Hồng hiện tại chủ yếu là đồng ruộng với mật độ dân cư không cao, hệ thống giao thông nội vùng chưa phát triển, chỉ có sự hiện diện của tuyến đê sông Hồng và đường 5 kéo dài.
Cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành sẽ cùng với tuyến đường nối cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với đô thị lõi nhằm giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên và cầu Thăng Long. Đồng thời từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông khung cho Hà Nội. Phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển cũng như nguyện vọng của toàn bộ Nhân dân khu vực phía Bắc sông Hồng nói riêng và Thủ đô nói chung.
Đòn bẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng
Ông Patrick Phong - đại diện đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty TNHH Quốc tế T.Y.Lin, Mỹ) cho biết, để bảo đảm lưu lượng giao thông theo lưu lượng thực tế hiện tại và theo quy hoạch, mặt cắt cầu đề xuất gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 làn đi bộ với chiều rộng cầu là 43.11m. Chiều dài nghiên cứu khoảng 2.466m, trong đó chiều dài cầu chính là 1.000m, chiều dài cầu dẫn là 1.466m. Trên tuyến gồm 5 nút giao gồm: Nút giao Nghi Tàm, nút giao hữu Hồng, nút giao Bãi Giữa, nút giao tả Hồng và nút giao Quốc lộ 5 là các nút giao khác mức liên thông nhằm kết nối cầu, đường dẫn đầu cầu với các tuyến đường 2 bên bờ sông Hồng bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Về hình dáng, Công ty TNHH Quốc tế T.Y.Lin đã đưa ra ý tưởng thiết kế vô cùng đặc sắc cho đồ án cầu Tứ Liên. Đó là sử dụng phương án kỹ thuật cầu dây văng tiên tiến, các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ tạo ra sự thanh thoát về mặt hình ảnh tổng thể. Điểm nhấn của cây cầu là hai hệ trụ tháp cao 158m được tạo hình dựa trên hình ảnh của bốn con rồng đang từ mặt nước vút bay lên trời cao. Với kiểu dáng kết cấu độc đáo, hiện đại, vật liệu chủ yếu từ thép, khẩu độ lớn, tầm vóc nổi bật nên rất phù hợp với các hoạt động chào mừng (bắn pháo hoa, trang trí ánh sáng…) trong các ngày lễ lớn.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư cả dự án bao gồm lãi vay là hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường GPMB khoảng hơn 4.360 tỷ đồng trong đó: Khu vực quận Tây Hồ là hơn 3.800 tỷ đồng; khu vực quận Long Biên hơn 139 tỷ đồng; khu vực huyện Đông Anh hơn 418 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong vòng 4 năm (2020 - 2024). Cụ thể, tổ chức GPMB từ quý I/2021; lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ quý II/2021; lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công từ quý III/2021; lựa chọn nhà thầu thi công từ quý IV/2021; thi công dự án từ quý I/2022 và hoàn thành dự án vào quý IV/2024.
Việc xây dựng thêm nhiều cây câu nối liền hai bên bờ sông Hồng, trong đó có cầu Tứ Liên, đã và đang là động lực để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.