Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Giải pháp kích cầu nền kinh tế

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Để vượt qua khó khăn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng chi tiêu Chính phủ, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp kích cầu nền kinh tế sau dịch.

Nhiều dự án giao thông hoàn thành chậm tiến độ do giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh: Đặng Tiến

Ưu tiên những dự án động lực, có sự lan tỏa

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2020, vốn đầu tư toàn nền kinh tế ước đạt 367.900 tỷ đồng, chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 31% GDP. Trong đó, vốn đầu tư khu vực tư nhân chiếm 45,2%, chỉ tăng 4,2%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 24,3% và giảm đến 5,4%. Vốn đầu tư công chiếm 30,5% và đạt mức tăng cao nhất là 5,8%. Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ suy giảm rõ rệt. Do đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến cầu của nền kinh tế tăng lên và kích thích các DN quay trở lại ngay với sản xuất để tạo thị trường.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Các cấp ngành, địa phương phải nhận thức trách nhiệm lớn, gắn với việc phải có chế tài mạnh để giải ngân cho hết gần 30 tỷ USD vốn đầu tư công. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ, ngành, cơ quan T.Ư. Một tinh thần, chế tài đặt ra là cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm. Chế tài thứ hai là nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì sẽ điều chuyển vốn sang đơn vị khác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Hơn nữa, đầu tư công được đẩy mạnh vào xây dựng hạ tầng cơ bản không chỉ tạo được cầu trước mắt mà còn thu hút các hoạt động kinh tế - xã hội, những nguồn lực đầu tư khác đi theo, tạo yếu tố dài hạn cho phát triển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công là quan trọng nhưng trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia có chung nhận định cần cách làm mới hơn, mạnh dạn và sáng tạo trong công tác này. Vấn đề vào lúc này là cần ưu tiên cho những dự án động lực, có sự lan tỏa cao. Chẳng hạn, với các công trình quan trọng có thể chuyển hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.
Trong bối cảnh đầu tư và tiêu dùng tư nhân suy giảm, chi tiêu và đầu tư công trở thành một giải pháp để duy trì một phần sức tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm đời sống người dân. Chi tiêu công trong bối cảnh hiện nay không chỉ hướng đến mục tiêu tái phân phối, mà còn để cung cấp phúc lợi cho người dân, đặc biệt là những đối tượng đang bị tổn thương bởi dịch bệnh hoặc tình trạng sa sút về kinh tế, mất việc làm, không có thu nhập ổn định.
Mới đây, tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành về các giải pháp khắc phục khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ lớn là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Ảnh: Như Chính

Ưu tiên dự án có lan tỏa tới nền kinh tế

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng: Tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Ngoài những dự án trọng điểm của quốc gia, cần ưu tiên những dự án nhỏ nhưng có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Điều cần quán triệt là, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiến độ các dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương, hiệu quả như tinh thần chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ thúc đẩy.
Theo ông Tuấn, các nhóm nhiệm vụ chủ yếu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần Chính phủ thúc đẩy gồm: Các bộ, ngành, chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các Nghị định có liên quan của Chính phủ. Trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn dự án. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách. Trước mắt, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lập danh sách các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2020, với cam kết hoàn thành. Với các dự án đang gặp vướng mắc, các cơ quan liên quan cần phải liên tục rà soát tình hình thực hiện từng dự án.
Cùng với đó, giải quyết nhanh quy trình, thủ tục quản lý và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Đẩy nhanh tiến độ thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, kết hợp chính sách tái định cư. Đối với những dự án sắp hoặc có thể đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, cần tích cực chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế.
Dự kiến ngày hôm nay (10/4), Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến “4 trong 1” với các địa phương, tập trung vào 4 nội dung, gồm: Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực vào cuộc, đôn đốc, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên kết quả vẫn không khả quan. Nhiều bộ, ngành, địa phương làm rất tốt, nhanh chóng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm, trong khi có nơi giải ngân chậm trễ. Do đó, nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức thực hiện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh

Giải ngân đầu tư công với số vốn giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, rào cản vốn nằm ở thể chế, quy trình. Tuy nhiên, Việt Nam đã có Luật Đầu tư công và các bộ, ngành sẽ sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết để tháo gỡ vấn đề này. Với những dự án đầu tư công liên quan đến các hạ tầng trọng yếu như sân bay, đường cao tốc thì có thể đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, rút ngắn quy trình, tận dụng thời điểm thông thoáng về vận tải để tiến hành làm ngay. Để khi hết dịch, những tắc nghẽn, vấn đề hạ tầng sẽ không còn là rào cản cho nền kinh tế. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh PGS. TS Trần Hoàng Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần