Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Khơi thông nguồn lực quý giá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn khó khăn, bất lợi, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng.

Các bộ, ngành địa phương tập trung các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm.

Đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng
Đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng

Tháng cao điểm giải ngân đầu tư công năm 2022

Năm 2022 đã qua, với những biến động quốc tế chưa từng có, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điểm sáng nổi bật là nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng đã hoàn thành, như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; đường lăn cất, hạ cánh sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất... Đồng thời, nhiều dự án trọng điểm như đường ven biển, đường vành đai đô thị lớn, sân bay, đường sắt, đường thủy... đã được khẩn trương hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trong đó có 12 dự án của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Bộ KH&ĐT, cũng nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với số vốn đầu tư cao hơn tới 26% so với năm 2021 (tương đương 120.000 tỷ đồng), đã từng bước được cải thiện, tăng nhanh dần vào cuối năm. Tính đến hết ngày 31/12/2022, ước số vốn kế hoạch đã giải ngân đạt 435.700 tỷ đồng, bằng 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ các năm 2016 - 2020 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 77,30%). Mặc dù tỷ lệ giải ngân của năm 2022 đạt thấp hơn năm 2021 nhưng số vốn thực tế giải ngân đến nay cao hơn khoảng 79.100 tỷ đồng, tăng 22% so với số vốn giải ngân thực tế năm 2021.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm ngân sách (tính đến ngày 31/1/2023), các bộ ngành địa phương đang ra sức đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Mục tiêu phấn đấu của Chính phủ là năm 2022, sẽ giải ngân được 95% vốn kế hoạch. Tháng 1/2023 vì thế sẽ là tháng cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là tháng mà việc thực hiện, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 được khởi động.

Tin mừng là ngay ngày đầu tiên của năm mới 2023, đồng loạt 12 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được khởi công. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc năm, các tỉnh, TP trong cả nước đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp trong giai đoạn “nước rút”này.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Hà Nội (ảnh chụp ngày 3/12/2022). Ảnh: Phạm Hùng  
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Hà Nội (ảnh chụp ngày 3/12/2022). Ảnh: Phạm Hùng  

Giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2023

Sáng 1/1, dự lễ khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng là sau đó nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu”.

Trong cả 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, Kho bạc Nhà nước T.Ư và Kho bạc Nhà nước các cấp thuộc Bộ Tài chính đã quyết định vẫn tổ chức thanh toán, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT cũng vẫn tổ chức làm 3 ca 4 kíp… Điều này thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong việc phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị phát động thực hiện "Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công", với tinh thần làm việc xuyên Tết, xuyên nghỉ lễ, không ngại khó, không ngại khổ. Không chỉ trong tháng cao điểm thi đua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong rằng tinh thần quyết liệt này sẽ tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trên tất cả các công trường trong cả năm 2023. Bởi năm 2023, tổng số vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vốn lớn thì áp lực giải ngân cũng lớn.

Đề xuất các giải pháp khơi thông vướng mắc, đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế, Bộ KH&ĐT cho biết, đầu tiên là chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023.

 

Với khối lượng công việc, số vốn còn phải thanh toán cuối năm rất lớn, vì thế Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội đã bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ để bảo đảm thanh toán kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh giao dịch, kiểm soát trên dịch vụ công trực tuyến để thời gian kiểm soát được rút ngắn và công khai, minh bạch hơn, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiết kiệm được chi phí đi lại…

Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội Nguyễn Hải Hà

Tiếp theo, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu phải đôn đốc thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới thực hiện phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao trước ngày 31/12/2022.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù đã có quy định về cơ chế phối hợp trong tổng hợp báo cáo số liệu giải ngân, cần xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo về chất lượng, thời gian hoàn thành công tác tổng hợp báo cáo. Bởi vậy, một trong các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023 được Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính đưa ra là yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, cập nhật kịp thời tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023…

Bộ ngành, địa phương quyết liệt hưởng ứng

Để duy trì kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao như năm 2022, trong năm 2023, một số tỉnh cho hay sẽ tiếp tục tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tại Quảng Ninh, phân tích về công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các nội dung, giải pháp cần thực hiện trong năm 2023; phương án tháo gỡ các khó khăn liên quan đến hồ sơ, thủ tục về lĩnh vực tài nguyên, nguồn vật liệu san lấp…

Tại Hà Nội, để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, TP đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội... Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của TP; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Đồng thời kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai để bổ sung vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước cho các dự án đã thực hiện nhanh tiến độ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bí thư Thành ủy yêu cầu, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.

 

Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn ưu tiên vào chống lạm phát thì rất khó và không có dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng như những năm trước. Rất nhiều thách thức đặt ra, nên đầu tư công sẽ nổi lên như một động lực tương đối khả thi, vì chúng ta thực sự đang có tiền, có dự án cần đầu tư. Từ đầu năm 2023, vốn đầu tư công cần giải ngân là rất lớn nên hoạt động đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ sớm được thực hiện. Bởi nếu không đẩy mạnh và làm sớm thì kế hoạch sẽ lại chậm trễ như năm 2022.

TS Nguyễn Đình Cung