Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước Nhật những ngày gần đây trải qua những thảm họa. Đầu tiên là trận động đất với 7,6 độ Richter cùng 150 dư chấn đã khiến hàng chục người tử vong.

Sau đó, nước Nhật lại bị vụ tai nạn hy hữu khi hai máy bay va vào nhau tại Sân bay Quốc tế Haneda của Tokyo khiến 5 người trên chiếc máy bay nhỏ thiệt mạng.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận thế giới nói chung, người Việt Nam nói riêng quan tâm là sự thoát nạn một cách kỳ diệu của toàn bộ 379 người trên máy bay của Japan Airlines (JAL). Sau vụ tai nạn, sự tập trung của mọi người là câu chuyện tại sao các hành khách lại thoát nạn, trên một chiếc máy bay sau đó mấy phút bùng cháy.

Các hành khách trên máy bay JAL, một chiếc Airbus A350, cũng như các nhân chứng của vụ va chạm đã mô tả nỗi kinh hoàng nhường chỗ cho sự nhẹ nhõm khi mọi người trên máy bay đều sống sót. Thật đáng kinh ngạc, JAL cho biết chỉ có một người trên máy bay của họ bị thương với vết bầm tím, 13 người “đã yêu cầu tư vấn y tế do không thoải mái về thể chất”.

JAL đã cho biết về tốc độ và hiệu quả của việc sơ tán chiếc máy bay đang bốc cháy. Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin phải mất 18 phút để đưa tất cả hành khách và phi hành đoàn ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy.

NHK dẫn lời các quan chức của JAL cho biết các phi công của chiếc A350 không hề biết rằng đám cháy đã bùng phát sau vụ va chạm, nhưng các tiếp viên nhận thấy điều đó khi khói bắt đầu tràn vào cabin.

NHK cho biết thêm, các thành viên phi hành đoàn kêu gọi hành khách giữ bình tĩnh khi trưởng phi hành đoàn báo cáo vụ cháy cho các phi công và xin phép mở lối thoát hiểm.

NHK đưa tin, máy bay phản lực có 8 lối thoát hiểm khẩn cấp và cho biết thêm rằng việc sơ tán bắt đầu từ hai lối thoát hiểm ở phía trước an toàn trước đám cháy và một lối thoát hiểm ở phía sau. Cơ trưởng là người cuối cùng rời máy bay lúc 18h05, 18 phút sau khi hạ cánh, theo NHK.

Tất cả những người quan tâm vụ thoát hiểm nói trên đều cho rằng, các hành động của phi hành đoàn và hành khách diễn ra nhanh chóng, trật tự chỉ sau mấy chục giây va chạm xảy ra cho đến khi họ thoát ra hoàn toàn và máy bay bùng cháy; sự tuân thủ của mọi người với các mệnh lệnh là hết sức triệt để.

Người ta nhận thấy rằng: người Nhật đã tỏ ra là người có bản tính vô cùng kỷ luật; các hành động thoát hiểm dường như được tập luyện chu đáo từ nhỏ, ngay trong những trường học các cấp.

Như vậy, sự sống được cứu vãn bởi chính những người trong cuộc, chứ không chờ đợi bất cứ sự cứu giúp nào từ bên ngoài, vì cách gì dù nhanh chóng đến đâu cũng sẽ là quá muộn.

Dư luận thế giới quan tâm, vì người Nhật là tấm gương cho họ, ít nhất ở khía cạnh tự thoát hiểm.

Tại Việt Nam, học sinh cũng có những giờ thực hành về thoát hiểm (như việc thoát đám cháy) nhưng chưa đủ và đều, ở nơi này nơi nọ còn chưa chú trọng. Đặc biệt, tính kỷ luật của các em nhiều nơi chưa cao, sự vô kỷ luật trong hành động nhiều khi còn được cổ xúy là tính tự do, phóng khoáng, đa màu sắc.

Rèn luyện tính kỷ luật cùng những kỹ năng thoát hiểm nhiều hơn nữa cho trẻ em là điều cần thiết, vì có khi nó rất hữu dụng.