ĐB Quốc hội: Quy định xuất vốn đầu tư công trình y tế còn bất cập

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 2/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm quy định về xuất vốn đầu tư đối các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 2/11, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thảo luận đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024...

Đề nghị bổ sung quy định xuất vốn đầu tư các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh

Bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung được nêu trong các Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) góp ý về quy định xuất vốn đầu tư về công trình y tế còn bất cập.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 2/11
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 2/11

Theo đó, đại biểu cho biết, nhằm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 510 ngày 19/5/2023 về công bố xuất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình bao gồm cả các công trình y tế. Xuất vốn vốn đầu tư xây dựng công trình, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình chuẩn bị dự án.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, đối với lĩnh vực y tế, Quyết định 510 chỉ quy định xuất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50 đến 1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay đang thực hiện kế hoạch đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với quy mô dưới 1.000 giường. Tại Hà Nội đang thực hiện một số dự án như: Dự án Bệnh viện Thận tiết niệu, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Mê Linh. Quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không có hướng dẫn về xuất vốn đầu tư.

Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về xuất vốn đầu tư đối các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tại Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) nêu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Cân đối hài hòa nguồn thu cho chính quyền địa phương

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, việc thực hiện biện pháp miễn giảm thuế, phí cho phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đã giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu.

Để bù đắp lại các khoản chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, đại biểu đề xuất Chính phủ cần tạo điều kiện cho địa phương có thể thu ở các lĩnh vực khác, để cân đối hài hòa giữa thu và chi ở các địa phương. Ví dụ, với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hoặc các tỉnh ven biển, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió, cần tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển lĩnh vực này để có nguồn thu bù đắp.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, 21 tỉnh thành phía Nam có lợi thế là có nguồn thu từ sổ xố kiến thiết, nguồn này cũng phục vụ cho đầu tư công, quá trình chi từ nguồn này, theo chính sách của Chính phủ, vừa qua đang dành hết cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới. Đại biểu đề nghị, nên để HĐND các tỉnh, thành quyết định việc sử dụng nguồn thu từ sổ xố kiến thiết này cho những công trình có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) bày tỏ nhất trí cáo với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương. Theo đại biểu, trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp. Đến nay một số chính sách, chế độ mới do trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn.