ĐBQH: Đề nghị bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường sáng 21/6, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới việc xác định giá đất, cho thuê đất, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn Thành phố Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn Thành phố Hà Nội)

Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất

Đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng: Tại Chương 7, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An)
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An)

Góp ý về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư. Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Đề nghị quy định rõ việc thu hồi đất tại các khu kinh tế

Cùng quan tâm tới chính sách thu hồi đất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) đề nghị Điều 19 và Điều 79 về việc thu hồi đất cần quy định rõ về việc thu hồi đất tại các khu kinh tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần có quy định rõ về các chủ thể kinh doanh được thuê đất, đất do Nhà nước quản lý...

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 21/6
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 21/6

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung vào dự án Luật việc thu hồi đất để phát triển các dự án thực hiện các khu chức năng trong khu kinh tế. Bởi vì khu kinh tế là chế định được quy định trong pháp luật về đầu tư. Do vậy, Luật Đất đai cũng nên có quy định về phát triển khu kinh tế từ khâu thu hồi đất phục vụ để phát triển và các ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc thu hồi đất trong khu kinh tế để phát triển các khu chức năng.

Liên quan đến vấn đề tách công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn Thành phố Hà Nội) đề nghị cụ thể hóa nội dung quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật, trong đó cần lưu ý các vấn đề: cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng. Việc tách theo hướng mở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định cơ cấu, thành phần hồ sơ dự án, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Đồng thời cần bổ sung đưa vào mục 5 Chương 7 trong dự thảo Luật một điều quy định về quy hoạch, kế hoạch tái định cư, gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trung hạn và hàng năm.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách để triển khai thực hiện đầu tư trước, dự án xây dựng khu tái định cư theo hướng tổng thể, không nên triển khai, chỉ sử dụng dành riêng cho một dự án cụ thể mà cần tạo lập quỹ đất tái định cư mang tính tập trung, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ tái định cư cho nhiều dự án trong cùng một khu vực, trong đó ngoài việc bố trí quỹ đất tái định cư phục vụ cho dự án đầu tư công mà còn tính đến việc Nhà nước bán lại một số chỗ tái đầu tư đã hình thành cho các nhà đầu tư phục vụ tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án theo hình thức xã hội hóa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) 

Cần rút ngắn thời gian thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Góp ý về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Bến Tre) nêu rõ, mặc dù thời gian qua, ngành tài nguyên sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian.

Thực tế, nhu cầu của người dân về chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất lớn và cần được thực hiện trong thời gian ngắn, không thể chờ thời gian hơn một năm. Vì vậy, tình trạng cất nhà trước, làm giấy tờ sau diễn ra phổ biến. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận khác về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện để người dân tiếp cận ngay cơ hội.

Theo đại biểu, khi chưa có quy hoạch ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Khu vực đã quy hoạch là đất ở, thì khi người dân có nhu cầu, cần giải quyết ngay, không nên yêu cầu người dân đăng ký và chờ đợi thời gian dài đến khi cơ kế hoạch phân bổ mới giải quyết, trong khi thời gian là cơ hội của người dân.

Đối với quy định về điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định ở Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) đề nghị cần nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với pháp luật về quyền dân sự, về quyền cư trú. Đại biểu đề xuất cho phép chuyển đổi khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.