ĐBQH: Lấy kết quả bỏ phiếu để xử lý-"không cẩn thận sẽ mất cán bộ"

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Góp ý vào nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Đoàn TP Hải Phòng) băn khoăn về việc xử lý kết quả lấy phiếu/bỏ phiếu tín nhiệm. Việc lấy kết quả bỏ phiếu mang tính ước lệ, nếu lấy kết quả này làm chuẩn để xử lý không cẩn thận sẽ mất cán bộ.

Phiếu tín nhiệm thấp chỉ là thông tin tham khảo

Chiều 30/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Bày tỏ băn khoăn về xử lý kết quả lấy phiếu/bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Thành phố Hải Phòng) nêu:  Chúng ta sẽ xử lý kết quả lấy phiếu/bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào khi ngay cả những quy định về hồ sơ trích ngang tối thiểu còn không biết. Rõ ràng với một thông tin đầu vào như vậy việc bỏ phiếu sẽ mang tính ước lệ. Trong trường hợp này, nếu chúng ta lấy kết quả bỏ phiếu làm chuẩn để xử lý không cẩn thận sẽ mất cán bộ.

"Tôi đề nghị, trong sử dụng cán bộ có 2 mức: Dựa vào năng lực cán bộ và dựa vào sở trường của cán bộ. Nhìn năng lực mà điều chỉnh. Trong số phiếu thấp mà chúng ta định xử lý có thể đâu đó có cán bộ bị bỏ phiếu thấp, nếu chưa xác minh được rõ ràng cần có cách xử lý khác như luân chuyển cán bộ"- đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Thành phố Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Thành phố Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Còn với trường hợp phiếu tín nhiệm thấp, theo đại biểu, đây chỉ là thông tin tham khảo quan trọng nhưng không phải quyết định. Con người, tổ chức cán bộ cần nhiều thông tin, tưởng rằng xử lý thẳng tay nhưng lại xảy ra hết cực đoan này đến cực đoan khác. Vì vậy, những trường hợp đó nên động viên từ chức. Tổ chức chưa xác minh khuyết điểm thì tạm thời chuyển sang vị trí khác hoặc thấp hơn để chờ xem xử lý. Còn trường hợp đã xác định rõ ràng thì cho bỏ phiếu.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hoà Bình) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ hưu chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quy định.

Theo đại biểu "Quy định này là phù hợp, thể hiện tính nhân văn và cũng phù hợp với mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm. Những người mắc bệnh hiểm nghèo, không điều hành công tác từ 6 tháng rất khó đủ cơ sở, điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm".

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị bỏ cụm từ đến dưới 2/3 tổng số đại biểu. Đại biểu cho rằng, nên để người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa (trên 50%) số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức...

Quy định rõ thời gian lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ cơ bản nhất trí với nội dung bổ sung đối với người giữ chức vụ nhưng nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ 15
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ 15

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là lấy phiếu từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm (thường khoảng gần 3 năm). Như vậy nếu người giữ chức vụ nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo và nghỉ điều hành ngay từ năm đầu tiên hoặc năm thứ 2, nhưng đến năm tổ chức kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm đã quay trở lại làm việc bình thường thì có lấy phiếu tín nhiệm không? Do vậy cần quy định rõ hơn điểm này, một là quy định “hoặc trong năm lấy phiếu tín nhiệm nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo…” hoặc “trong thời gian từ khi được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đến khi khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành…”.

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 6 dự thảo Nghị quyết), đại biểu Hải Anh bày tỏ: Tại khoản 2, về “Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào sau cụm từ “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Đoàn tỉnh Hà Giang) bày tỏ: Tại khoản 2 Điều 12 Quy định "Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức, trường hợp không xin từ chức sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất". 

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 15 chiều 30/5
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 15 chiều 30/5

Để có cơ chế thực hiện, dự thảo Nghị quyết cần chỉnh lý theo hướng trong trường hợp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thể xin từ chức thì cần xác định thời hạn để họ thực hiện quyền này. Nếu qua thời hạn đó mà họ không từ chức thì Quốc hội, HĐND mới tiến hành các trình tự của việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Tại Điều 17, hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm. Dự thảo Nghị quyết quy định: "Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp hoặc kỳ họp gần nhất”.

Trường hợp đặt ra nếu trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có dưới quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì sẽ xử lý như thế nào? Có bỏ phiếu lại hay không? Có tổ chức xem xét quyết định miễn nhiệm nữa hay không?.

Đại biểu cho rằng, thực tế ranh giới giữa "nửa" và "quá nửa" 50-51% mong manh (có khi tỷ lệ quá nửa hay nửa chỉ cần 1 phiếu thôi cũng đã thay đổi tình hình), trong khi quy định chỉ cần ít nhất 2/3 số lượng đại biểu tham gia thì phiên lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm có hiệu lực. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với trường hợp này để có cơ sở đầy đủ triển khai thực hiện, tránh lúng túng vướng mắc khi phát sinh.