Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội: Đột phá từ cơ chế

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội đang là yêu cầu cấp bách.

TP Hà Nội cũng đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện các dự án đầu đến, xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, và đầu đi là di dời các hộ dân ra khỏi phố cổ. Nhiều ý kiến cho rằng, để đề án kết thúc vào năm 2020 như dự kiến còn nhiều vấn đề tồn tại cần được xem xét thấu đáo.
Mới đang ở bước… rà soát
Trái ngược với vẻ sầm uất của khu phố, hàng nghìn hộ dân phố cổ Hà Nội đang phải sống trong những căn nhà chật chội, sâu hun hút ban ngày cũng không nhìn rõ mặt người. Đến địa chỉ 35 Hàng Bạc, ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Hải, rộng chừng 9m2 nhưng có tới 7 nhân khẩu, 3 thế hệ cùng chung sống.
 Không gian sống của gia đình ông Nguyễn Đình Hải tại số 35 Hàng Bạc gồm 7 người chỉ vỏn vẹn trong 9 m2.
Tất cả mọi sinh hoạt như ăn, ngủ đều trên một chiếc giường, còn vệ sinh, tắm giặt phải dùng chung với 6 gia đình khác nằm hút sâu trong ngôi nhà ống khoảng 60m2 đã được chia nhỏ.
Tuy chật chội, bí bách nhưng ông Hải lại chưa hề có ý định chuyển gia đình đi nơi khác sinh sống, bởi nguồn sống của cả gia đình đều trông chờ vào việc buôn bán lặt vặt, hơn nữa đây là ngôi nhà của cha ông để lại đã chia nhỏ cho nhiều con, cháu nên việc một hộ muốn bán cũng rất khó. Và quan trọng, gia đình ông chưa được tuyên truyền về lợi ích khi rời bỏ mảnh đất chật chội nhưng có giá trị “kim cương” này.
“Nếu Nhà nước có cơ chế mua lại nhà với giá thỏa thuận, hợp lý. Nơi đến ở mới được tạo điều kiện làm ăn sinh sống thì chúng tôi cũng có thể bán nhà chuyển đi. Thế nhưng đến nay, tôi chưa thấy nói chính sách cụ thể như thế nào" - ông Hải cho biết. Qua thăm dò, thắc mắc của ông Hải cũng là tâm tư của rất nhiều người dân sống ở phố cổ Hà Nội hiện nay.
Đề án giãn dân phố cổ được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1998, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, do các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau, nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất.
Để đẩy nhanh tiến độ đề án, mới đây, TP đã giao UBND quận Hoàn Kiếm rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Đặng Đình Bằng thông tin, đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang thực hiện Đề án gồm hai dự án thành phần: Dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ gồm 16 tòa tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) và dự án đầu đi (di dời giai đoạn 1 khoảng 1.800 hộ dân ra khỏi phố cổ).
Về dự án đầu đi, từ tháng 9/2019, Ban Quản lý phố cổ đã triển khai rà soát, thống kê các trường hợp giãn dân bắt buộc trên địa bàn 10 phường khu phố cổ và 6 phường khu phố cũ. Hiện đã thống kê được 564 hộ tương đương 1.977 nhân khẩu, nằm trong các di tích, khuôn viện công sở, trường học.
Ngoài ra, các hộ dân giãn dân tự nguyện là những hộ sống trong số nhà đông hộ, diện tích ở dưới 5m2/người cũng đang được thực hiện, thống kê sơ bộ được 601 hộ tương đương 2.832 nhân khẩu. Sau việc rà soát hoàn thành, lên danh sách đầy đủ số lượng di dời, trên cơ sở này mới phát phiếu thăm dò đến các hộ dân.
Cơ chế cụ thể cho từng trường hợp
Một trong những dự án quan trọng của Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, thời điểm này một số hạng mục của dự án đã được thực hiện xong như: Nhà trẻ mẫu giáo đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào quản lý, sử dụng tháng từ 5/2016. H
ệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đã thi công xây dựng xong hạng mục di chuyển trạm biến áp N19 bàn giao cho Công ty Điện lực Long Biên đưa vào khai thác, sử dụng, đã phê duyệt phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm; hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đối với các hạng mục còn lại gồm: Đường giao thông nội bộ, lát vỉa hè, hệ thống thông tin liên lạc, cây xanh...
Về tiến độ xây dựng 16 tòa nhà ở giãn dân, để đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư, TP đã giao Sở QH - KT phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc theo hướng tăng tầng cao, tăng diện tích tầng hầm. Về hình thức đầu tư, Sở Xây dựng và UBND quận Hoàn Kiếm đã có đề xuất kêu gọi đầu tư vào dự án này theo tinh thần đặt hàng để xây dựng theo tiêu chí nhà thương mại và đã được UBND TP thống nhất về nguyên tắc.
 Ngôi nhà số 35 Hàng Bạc rộng chừng 60m2 nhưng có đến 30 người sinh sống.
“Hiện nay chưa có tòa nhà nào thuộc dự án giãn dân phố cổ được xây dựng. Thời gian qua dư luận cho rằng, những tòa nhà nằm sát đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) thuộc dự án nhà ở giãn dân phố cổ đã hoàn thành và đang bị bỏ hoang là không đúng. Đây là quỹ nhà phục vụ giải phóng mặt bằng những dự án đang xây dựng của TP.
Còn đối với dự án nhà giãn dân phố cổ, ngay sau khi UBND TP phê duyệt cơ chế đầu tư điều chỉnh, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH&ĐT tiến hành trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy trình quy định” - ông Nguyễn Anh Quân thông tin.
Để nhận được sự đồng tình di dời của người dân ở khu vực phố cổ, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quan trọng nhất là những trường hợp thực hiện giãn dân phải được xác định thật cụ thể để có cơ chế thích hợp ở nơi đến. Phải làm thế nào tạo ra sức hút mới, là nơi người dân mong đến chứ không phải nơi khiến họ cảm thấy bị áp đặt. Phải chú trọng đến việc họ sẽ làm gì để có nguồn thu nhập khi đến nơi ở mới.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Đình Bằng cũng cho rằng đối với các hộ trong diện giãn dân bắt buộc thì áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với các hộ trong diện tự nguyện nếu không có cơ chế, chính sách hấp dẫn ở đầu đến chắc chắn sẽ khó thu hút người dân tham gia.
Ngoài vấn đề tạo động lực từ cơ chế, điều kiện đặc biệt quan trọng nữa mà TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh là giải pháp kiến trúc không gian của các nơi đến cần phải được tính toán để thu hút người dân. Các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng… cần được xây dựng đồng bộ.
“Những người dân khu phố cổ đa phần là những người có thu nhập trung bình và thu nhập cao. Nếu ở các dự án giãn dân không có những ngôi trường chất lượng cao để con em họ vẫn tiếp tục có điều kiện học tập, sáng tạo thì sẽ khó tạo sức hút để người dân sẵn sàng di dời” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

"Cần phải xác định đầy đủ đối tượng và mỗi đối tượng giãn dân phải có cơ chế đền bù, cơ chế thích hợp ở nơi đến. Tuy nhiên, hiện nay việc này chưa được rõ ràng dẫn đến tình trạng nhiều gia đình sống trong các công trình có giá trị mặc dù đã đi chỗ khác sinh sống nhưng vẫn giữ lại nhà để cho thuê kinh doanh." - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, TS. Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần