Đề án quản lý phương tiện giao thông: Lộ trình hạn chế xe máy là khả thi

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng xong Đề án Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, chuẩn bị trình HĐND TP xem xét thông qua.

Liên quan đến Đề án này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện.

Xin ông cho biết những nét cơ bản của Đề án Quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội?

- Đề án Quản lý phương tiện giao thông do Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược và các đơn vị liên quan xây dựng; đã được chuyển thành Dự thảo Nghị quyết, chuẩn bị trình HĐND TP trong kỳ họp vào tháng 7 tới.

Nội dung cơ bản của Đề án là phân loại phương tiện giao thông thành 2 nhóm chính gồm: Phương tiện giao thông cá nhân và Phương tiện kinh doanh vận tải; từ đó đưa ra 6 biện pháp chủ yếu để quản lý. 6 biện pháp cụ thể được đưa ra là: Quản lý về số lượng; Quản lý về chất lượng; Quản lý về phạm vi hoạt động của các phương tiện; Phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GTVT.

Vậy, Đề án có đề xuất biện pháp cấm xe máy trong khu vực nội thành không thưa ông?

- Một trong những mục tiêu chính của Đề án là tập trung quản lý, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường, trong đó có đề ra lộ trình đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội đô TP.

Cụ thể lộ trình: Từ năm 2017 - 2020, sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy; đồng thời điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi, tiêu hủy. Từ 2025 - 2029, thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của TP. Năm 2030, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.

Khi cấm xe máy, điều người dân lo ngại nhất là sẽ đi lại bằng phương tiện gì, bởi hiện tại các phương thức vận tải khác chưa đáp ứng được nhu cầu. Vậy Đề án có giải pháp gì để người dân yên tâm khi cấm xe máy?

- Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân bằng cách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng GTVT và các phương thức vận tải công cộng như: đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt nhanh BRT... Đến năm 2030, vận tải công cộng sẽ đáp ứng 55% tỷ trọng vận chuyển; cùng với đó, TP sẽ mở rộng không gian đi bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện phi cơ giới; ý thức của người tham giao thông cũng sẽ cao hơn, gần gũi với các phương tiện công cộng hơn. Lộ trình này cũng khá dài, đủ để người dân làm quen, thích ứng với việc từ bỏ xe máy; tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

Việc thu hồi xe máy liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân?

- Dù Chính phủ và Bộ GTVT chưa có quy định về niên hạn và tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, nhưng thực tế hiện nay lượng xe máy cũ, không đảm bảo an toàn lưu thông và khí thải trên địa bàn Hà Nội quá lớn. Hà Nội có chủ trương đi trước một bước, khảo sát thực tế, báo cáo Chính phủ và Bộ GTVT để đưa ra quy định phù hợp. Người dân sẽ được khuyến khích chuyển đổi phương tiện; khi thu hồi phương tiện cũ, TP cũng sẽ có chính sách hỗ trợ người dân thiết thực.

Còn đối với những loại phương tiện khác thì sao, thưa ông?

- Đối với nhóm phương tiện cá nhân, ngoài xe máy, ô tô cũng sẽ được quản lý bằng 2 biện pháp: hành chính và kinh tế. Ví dụ như cấm lưu thông tại một số khu vực, thu phí ra vào, dừng đỗ tại khu vực trung tâm cao hơn...

Đối với phương tiện giao thông nhằm mục đích kinh doanh thì sẽ được đưa vào quy hoạch cụ thể, khống chế số lượng sao cho phù hợp với thực tế hạ tầng của TP. Loại hình xe hợp đồng điện tử như: Grab, Uber sẽ đưa chung vào quy hoạch taxi, chịu sự quản lý như taxi.

Đưa ra Đề án vào thời điểm này có phù hợp không, thưa ông?

- Trên thực tế, bất cứ đô thị nào cũng cần phải có chính sách quản lý phương tiện giao thông cụ thể, phù hợp với hạ tầng và điều kiện đặc thù. Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng UTGT và mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Theo tôi, hơn lúc nào hết, Thủ đô Hà Nội đang rất cần các biện pháp quản lý hữu hiệu phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu UTGT và bảo vệ môi trường. Vậy nên, Đề án ra đời vào thời điểm này là rất cần thiết và phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Hà Nội hiện đang có tốc độ gia tăng phương tiện giao thông hơn 10%/năm; nhưng kết cấu hạ tầng chỉ tăng 3 - 4%/năm; quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm; 70% lượng khí thải tại đô thị xuất phát từ phương tiện giao thông.


Theo dự thảo Đề án Quản lý phương tiện giao thông: Từ 2025 - 2029, thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của TP. Năm 2030, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.