Để bancassurance phát triển bền vững

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, những cái bắt tay giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tiếp tục sôi động.

Mới đây, thương vụ LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết Hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 15 năm được thị trường đặc biệt chú ý. Giá trị thương vụ đến nay chưa được tiết lộ. Tuy vậy, với thương hiệu của LienVietPostBank, Dai-ichi Life và nhìn vào danh sách đơn vị tư vấn, định giá là các tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu thế giới, có thể thấy, đây chắc chắn là một thương vụ “khủng”.

Mối quan hệ cộng sinh ngân hàng - bảo hiểm giúp các DN bảo hiểm tận dụng được mạng lưới rộng khắp của hệ thống ngân hàng. Từ đó, người dân ở nhiều vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa cũng tiếp cận được bảo hiểm. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm theo đó tăng từ 1,4% từ năm 2014 lên 3% vào năm 2020, theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Ở chiều ngược lại, ngân hàng có thêm nguồn thu nhập từ phí đáng kể.

Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của DN bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới. Cũng trong 6 tháng, thị trường bancassurance tăng trưởng tới 23%. Doanh thu phí từ bancassurance hiện đang chiếm khoảng 5 - 10% tổng thu nhập hoạt động của mỗi ngân hàng.

Các chuyên gia nhận định, thị trường bancassurance Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam giai đoạn từ nay tới năm 2025 tăng trung bình 6,5 - 7%/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm của Việt Nam chưa cao (hiện đang là 2,7% và Chính phủ mong muốn nâng lên mức 3,5% vào năm 2025). Đặc biệt, mức độ bao phủ bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất thấp. Chỉ khoảng 10% dân số Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ trong khi con số này tại Malaysia là 50%, tại Singapore là 80%.

Hiện nay, tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng cũng rất thấp, mới chiếm 5 - 8% lượng khách hàng của ngân hàng, đây cũng chính là dư địa để các ngân hàng tăng tốc trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự phát triển của bancassurance cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đáng chú ý, chất lượng tư vấn bảo hiểm qua kênh ngân hàng vẫn là một hạn chế lớn của kênh phân phối này.

Dự thảo hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao trình độ và trách nhiệm tư vấn bảo hiểm của ngân hàng. Theo đó, toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên ngân hàng phải được ghi âm; công ty bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn của nhân viên ngân hàng…

Mục đích của quy định này là để tăng cường trách nhiệm trong hoạt động tư vấn về sản phẩm bảo hiểm từ phía các ngân hàng để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng có nhiều hoạt động liên kết hay làm đại lý bán sản phẩm bảo hiểm thì cũng có nhiều phàn nàn, phản ánh của người dân khi không được tư vấn rõ ràng về sản phẩm, thậm chí có tình trạng “bán bia kèm lạc”, yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn.

Tuy vậy, quy định này cũng mới chỉ là thêm một lời nhắc nhở cho hoạt động bán bán bảo hiểm của ngân hàng. Còn muốn giải quyết được các vấn đề khách hàng khiếu nại gần đây liên quan đến bancassurance thì vẫn còn cần thêm nhiều quy định rõ ràng và cụ thể hơn nữa.