Để bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP về công tác bầu cử và công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 18/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 TP khẳng định: Với sự đồng lòng và quyết tâm cao, TP vẫn đang kiểm soát được dịch Covid-19 và trong mọi tình huống, Hà Nội đều sẵn sàng tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày 23/5.

Để có một quyết tâm và niềm tin như vậy, thời gian qua, Ủy ban Bầu cử các cấp của Hà Nội cùng cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, nỗ lực vừa chống dịch vừa làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị ở hơn 4.800 khu vực bỏ phiếu của toàn TP với 10 đơn vị bầu cử Quốc hội, 30 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND TP, 269 đơn vị bầu cử HĐND huyện, quận, 3.056 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã đã được chuẩn bị chu đáo.

Ảnh minh họa.
Trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, nhiều phương án tổ chức bầu cử đã được dự kiến với kịch bản cụ thể. Đó là thực hiện bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định tại các điểm bầu cử thuộc các phường, xã, thị trấn; tổ chức bầu cử cho những người đang thực hiện cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế; tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội.
Có thể nói, cũng như các địa phương trong cả nước, Hà Nội đã làm hết sức cho mục tiêu quan trọng nhất là làm sao để mọi cử tri được thực hiện quyền bầu cử đồng thời đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để cuộc bầu cử ngày 23/5 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và trách nhiệm của mỗi cử tri. Nói vậy là bởi thực tế những kỳ bầu cử trước cho thấy, dù chỉ là cá biệt, nhưng đó đây vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích mà vô tình dẫn đến những hiện tượng vi phạm luật bầu cử. Đó là hiện tượng bỏ phiếu hộ, một người bỏ phiếu thay cho mọi cử tri trong một gia đình, thậm chí một vài gia đình. Lại có những đơn vị bầu cử, vì chạy theo thành tích mà hô hào cử tri đi bỏ phiếu một cách gò ép ngay từ đầu giờ buổi sáng, trong khi theo luật định, thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 19 giờ ngày bầu cử. Cũng không ít cử tri vô tình từ bỏ quyền và nghĩa vụ công dân của mình khi tham gia bỏ phiếu mà không nghiên cứu kỹ danh sách, chương trình hành động của người ứng cử để có sự lựa chọn chính xác, góp phần bầu ra những người xứng đáng nhất.

Ngày bầu cử 23/5 diễn ra đúng thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm trọng thể lần thứ 131 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn nhớ, ngày 5/1/1946, trước cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên một ngày, Bác đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ: "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Bác cũng đã khẳng định rõ ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử, coi mỗi lá phiếu như một viên đạn trong cuộc kháng chiến và mỗi lá phiếu như viên gạch xây đắp nền dân chủ và xây dựng đất nước.

Lời kêu gọi của Bác cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi cử tri cần nhận thức và thực hiện một cách có trách nhiệm quyền và nghĩa vụ của mình, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần