Để cho đời mãi gọi “hoa Tràng An”

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lịch sử ngàn năm qua, Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, là nơi đón nhận nhiều “va đập” từ các nền văn hóa mới để rồi chắt lọc, kết tinh thành nét văn hóa ứng xử riêng. Tuy nhiên, tư duy về văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân hiện đang có dấu hiệu lệch chuẩn, có phần quy chụp thông qua một vài hiện tượng, sự việc.

 Múa rồng tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Việc tử tế, người tử tế luôn hiện hữu

Người Hà Nội từ già tới trẻ đều có những cách thể hiện hành xử văn minh, thanh lịch. Có thể kể ra một vài gương điển hình như bà Phạm Thị Huyền Dung, 72 tuổi mở quầy sách, báo miễn phí trước cửa nhà số 55 phố Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, Hà Nội). Ngày về nghỉ hưu, vì là cán bộ hưu trí, cho nên bà Dung thường xuyên được cấp phát báo miễn phí. Đọc một mình, thấy lãng phí nên bà đã mang số báo mình có được cộng thêm việc đi xin, sưu tầm, mua ở vài nơi để lập ra quầy báo, tạo không gian đọc miễn phí cho mọi người. Lịch trình mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ, bất kể nắng mưa.

Hay câu chuyện xúc động về bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, quận Nam Từ Liêm) qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo u cầu não. Em ra đi với di nguyện hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cuộc đời cho người khác đã làm xúc động triệu trái tim. Trong lễ tang của bé ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế đã viết “Bé đã làm được một điều khó tin, nhưng là sự thật”. Chiều 26/2, tại Bệnh viện Mắt T.Ư đã diễn ra 2 ca ghép giác mạc thành công nhờ món quà mà bé Hải An để lại. Câu chuyện của Hải An nói với chúng ta rằng, ai cũng có thể làm được những điều tử tế, ngay cả khi chúng ta đã ra đi.

Ở những sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, người Hà Nội cũng thể hiện nét văn minh, thanh lịch của mình trong những ứng xử văn hóa. Vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội, gần 3.000 phóng viên quốc tế từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam. Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp đón các nguyên thủ, phóng viên quốc tế, sự nhiệt tình, nồng ấm của người dân Thủ đô phần nào đem đến cho họ sự thoải mái khi tác nghiệp và những ấn tượng tốt đẹp. Đó là hình ảnh “ông chú” bán nước chè miễn phí trên phố Lý Thường Kiệt; hay một cô bán hàng trên phố thân thiện tặng những chiếc mũ màu đỏ cho bạn bè quốc tế. Đơn giản lắm, như cách cô chia sẻ, “Mong các bạn có một chút nhớ thương về Hà Nội, về con người Việt Nam”.

Lung lay giá trị văn hóa?

Nhưng nếp sống, lối sống không phải là bất biến. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều nét văn hóa cũ bị mất đi, thay vào đó là những nét văn hóa mới chưa được chắt lọc. Nhiều ý kiến cho rằng, “hệ miễn dịch” của văn hóa Hà Nội chưa đủ mạnh cho một cơ thể lớn quá nhanh. Hệ lụy của việc cùng lúc tiếp nhận quá nhiều những nét văn hóa mới là hiện tượng trong nếp sống, lối sống của người Hà Nội đã xuất hiện những biểu hiện không lành mạnh, kém văn hóa. Ở trường học, học sinh nói năng tùy tiện, nhiều từ ngữ thô tục. Tại các không gian công cộng, chốn tâm linh, nhiều người ăn mặc phản cảm, lố bịch. Văn hóa ẩm thực cũng xô bồ. Không ít người đã chấp nhận chuyện “bún mắng, cháo chửi” và kỳ lạ là họ còn coi đây là một “nét riêng”.

Tại các sự kiện cộng đồng lớn, nhiều người lại thất vọng với đường phố ngập rác; vườn hoa, thảm cỏ bị giẫm nát; sản phẩm trưng bày bị tàn phá hoặc biến thành của riêng. Mỗi lễ hội văn hóa, dân gian, nhất là lễ hội lớn, lễ hội vùng được tổ chức là lại xuất hiện những hình ảnh: Xoa vuốt tượng thờ, đốt vàng mã vô tội vạ... Đáng lo ngại là sự vô cảm của một bộ phận người dân ngày càng gia tăng. Họ thờ ơ với người gặp nạn, lãnh cảm với những mảnh đời khó khăn, không nhường nhịn người già, trẻ nhỏ ở nơi công cộng, trốn tránh trách nhiệm với những việc do mình gây ra… Trong không ít lần va chạm, không phân biệt phải trái, người trong cuộc luôn dùng sức mạnh chân tay để giải quyết. Những hiện tượng kể trên diễn ra thường xuyên, nhưng không được nhắc nhở, không bị lên án, dần trở thành chuyện bình thường trong xã hội.

Hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc

Để nâng cao văn hóa ứng xử trong xã hội, cần bắt đầu điều chỉnh từ thế hệ trẻ và gốc rễ phải là từ gia đình, vì đây mới là nơi trẻ học được những giá trị sống thật sự và những kỹ năng sống trong cuộc đời. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần định hình những phong cách văn hóa ứng xử phù hợp và đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh các cấp thông qua những hình ảnh, tình huống, câu chuyện cụ thể để hướng dẫn các em cách ăn mặc, ứng xử trong giao tiếp như: Thế nào là trang phục phù hợp khi đi học, đi dã ngoại, đi nhà hát..., cách ăn uống, chào hỏi, cư xử khi đến nhà bạn, khi đến nơi công cộng... Ngoài ra, những địa điểm như nhà hát, thư viện, trung tâm mua sắm, cần có quy tắc ứng xử rõ ràng cho cả người tham dự và nhân viên. Nếu không có cơ chế bắt buộc thi hành thì văn hóa ứng xử sẽ không thể nhân rộng, thậm chí ngày càng thui chột đi.

Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Hội nhập không có nghĩa là đánh mất bản sắc của mình. Chúng ta quen nói là ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng thực tế không phải vậy, ở đây là chúng ta bị ảnh hưởng bởi những người không đúng chuẩn mực văn hóa. Chuẩn mực văn hóa tự mỗi người phải rèn luyện, tu dưỡng để khép mình (không phải khiên cưỡng, gò bó) để thể hiện đúng nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội vốn có”.

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng một xã hội văn hóa, văn minh, điều này cần sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, của từng gia đình, của mỗi người dân. Mỗi việc làm tốt là một bông hoa đẹp, xây dựng Thủ đô là vườn hoa rực rỡ, để Hà Nội mãi là Thủ đô ngàn năm văn hiến, “để lại cho đời mãi gọi, mãi gọi hoa Tràng An” như lời bài hát “Hoa Tràng An” của nhạc sĩ Duy Quang .

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần